Bắc Kạn lấy ý kiến quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị hồ Ba Bể

Sáng 15/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đồ án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Đây là bước rất quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo đồ án trước khi trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
mot-goc-ho-ba-be-pld-1678930878.jpg
Một góc hồ Ba Bể.

Hồ Ba Bể là khu vực có tiềm năng du lịch lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn, một trong 49 khu vực tiềm năng phát triển du lịch của cả nước. Đây cũng là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, một trong số 34 Vườn quốc gia. Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean vào năm 2004; khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2011. Tháng 9/2012, hồ Ba Bể được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Mặc dù rất nổi tiếng và có giá trị, tiềm năng nhưng trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là du lịch ở hồ Ba Bể lại chưa tương xứng. Một phần nguyên nhân là do việc chưa có một quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bài bản, đồng bộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt này là việc làm cấp thiết nhằm tạo cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị.

Dự thảo quy hoạch đã phân tích, đánh giá hiện trạng tại hồ Ba Bể; những vấn đề ảnh hưởng và yêu cầu phát triển. Quan điểm phát triển được đề ra là: trọng tâm, hài hòa, kết nối và lan tỏa. Trong đó, trọng tâm được xác định là hồ Ba Bể; hài hòa là bảo tồn nhưng không kìm hãm phát triển; kết nối và lan tỏa là động lực thúc đẩy phát triển du lịch.

cac-dai-bieu-xem-don-vi-tu-van-trinh-bay-du-thao-do-an-quy-hoach-pld-1678930878.jpg
Các đại biểu xem đơn vị tư vấn trình bày dự thảo đồ án quy hoạch.

Mục tiêu ngắn hạn của quy hoạch là phát huy giá trị nổi bật của hồ Ba Bể. Tầm nhìn đến năm 2050 là trở thành khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển độc đáo của quốc gia, một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn của Việt Nam.

Phương án quy hoạch cũng đưa ra các kịch bản phát triển; xác định các ranh giới bảo tồn; định hướng bảo tồn di tích; định hướng phát triển du lịch; định hướng tổ chức không gian; phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất.

Định hướng chủ chốt đối với di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể là phát triển du lịch theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với hồ Ba Bể là trung tâm. Phía Bắc dành cho tham quan cảnh thác, hang động, nghỉ cộng đồng, nghỉ sinh thái…; Phía Đông dành cho Trung tâm điều hành, dịch vụ, đón tiếp, khách sạn nghỉ dưỡng…; Phía Nam dành cho du lịch nghỉ cộng đồng, bảo tồn và phát triển văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ cao cấp…; Phía Tây dành cho bảo tồn dân cư, văn hóa kết hợp du lịch cộng đồng, khám phá trải nghiệm và tham quan…

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao với dự thảo đồ án quy hoạch, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến, như: cần quy hoạch nâng cấp quốc lộ 3C; cần có phương án kiến trúc cụ thể để thuận lợi cho bảo vệ, phát triển sau này; quan tâm nghiên cứu kỹ quy mô quy hoạch; bổ sung thêm vấn đề tác động của sông Năng đối với hồ Ba Bể; cần xác định rõ hơn mục tiêu phát triển du lịch ở Ba Bể; lựa chọn thật kỹ phương án phát triển...

Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, đồ án quy hoạch đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng; có sự tham góp ý kiến của nhiều Kiến trúc sư nổi tiếng trong và ngoài nước. Đồ án đã thể hiện rõ nội dung bảo tồn và phát triển là theo đúng chủ trương của Trung ương. Các huyện, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu; phối hợp các ngành liên quan hoàn thiện, cập nhật một số hạng mục như giao thông; điện; nước sạch; nước thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường; hoàn thiện hồ sơ đồ án trình hội đồng thẩm định Trung ương trong tháng 3/2023.