BaF Meat của ông Trương Sỹ Bá muốn huy động 600 tỉ đồng trái phiếu “hai không”

Tiên Tiên

16/11/2022 10:01

Theo dõi trên

Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu "heo ăn chay - BaF Meat" vừa công bố thông tin bất thường về phương án phát hành trái phiếu với tổng trị giá dự kiến 600 tỉ đồng. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Mới đây, Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022, đây là bản nghị quyết sửa đổi thay thế cho nghị quyết ban hành ngày 15/8.

Trước đó, dựa trên nghị quyết ngày 15/8, BaF đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu riêng lẻ vào ngày 18/8 nhưng đến ngày 18/10, công ty xin rút hồ sơ. Phía BaF giải trình do trong quá trình xin ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chuẩn bị thủ tục triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 16/9 nên công ty rút hồ sơ để điều chỉnh phương án cho phù hợp quy định.

bi-mat-he-sinh-thai-tan-long-group-cua-ceo-truong-sy-ba-chi-vai-nhan-vien-doanh-thu-hang-chuc-nghin-ty-dong-084434983-1668437418.jpg

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam

Với nghị quyết lần này, BaF vẫn dự định phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Đối tượng chào bán là Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Thời gian dự kiến triển khai là trong quý 4/2022 đến quý 1/2023.

Mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng/trái phiếu, với khối lượng dự kiến là 600 trái phiếu, có kỳ hạn 7 năm kể từ ngày phát hành. Với lãi suất cố định là 5,25%/năm.

Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, người sở hữu trái phiếu sẽ nhận khoản lãi suất bổ sung thêm 5,25%/năm cho mỗi kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.

Về kế hoạch sử dụng số tiền huy động được trong đợt chào bán này, BaF Việt Nam dự kiến dùng 280 tỉ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty CP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng; dùng 110 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2 từ 20 tỉ đồng lên 130 tỉ đồng; góp lần lượt 70 tỉ đồng vào 3 công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh.

Trước đó, hồi tháng 8/2022, công ty này cũng đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 10,5%/năm và định kỳ trả lãi 6 tháng một lần. Ngày kết thúc đợt chào bán là 23/8/2022.

Loại trái phiếu mà BaF chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Về tình hình kinh doanh của công ty, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 286 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của Công ty, sản lượng và doanh thu mảng kinh doanh chăn nuôi theo mô hình khép kín tăng mạnh hơn 95% so với cùng kỳ, do cơ cấu đàn dần đi vào ổn định và các trại mới đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, giá bán heo trung bình quý 3 tăng 21% so với năm trước. Đây là động lực chính cấu thành nên tăng trưởng lợi nhuận.

Tại ngày 30/9, BaF có tổng tài sản đạt 5.119 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho đạt gần 1,505 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn gần 1,444 tỷ đồng, chiếm 28%; tài sản cố định gần 881 tỷ đồng, chiếm 17% và các khoản mục khác.

Nợ phải trả tại thời điểm này là hơn 3,378 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đạt hơn 904 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần so với đầu năm.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 4/2017. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến - mô hình 3F (Farm - Food - Feed).

Tại thời điểm thành lập, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 30 tỷ đồng. Từ đó tới nay, Công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đạt mức 1.435 tỷ đồng, gấp 48 lần so với thời điểm thành lập và chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 3/12/2021.

Tháng 3/2022, BaF thông báo công ty đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ân. Đồng thời, bầu ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 15/3.

Ông Trương Sỹ Bá sinh năm 1967, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đơn vị được thành lập năm 2000. Lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm: Cung ứng Nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi; Chăn nuôi; Sản xuất – Kinh doanh Gạo; Xuất khẩu – Nhập khẩu Hạt; Khai thác và chế biến khoáng sản,...

Ngày 4/1, Công ty của chủ tịch Tập đoàn Tân Long đã trở thành cổ đông lớn tại BAF thông qua giao dịch mua vào số lượng lớn cổ phiếu tại doanh nghiệp này. Cụ thể, Công ty Cổ phần Siba Holdings đã chi 700 tỷ đồng mua vào gần 16 triệu cổ phiếu BAF, tương đương 20,5% vốn điều lệ trong ngày 4/1/2022. Trước đó, Siba Holdings không sở hữu bất kỳ cổ phiếu BAF nào.

Bạn đang đọc bài viết "BaF Meat của ông Trương Sỹ Bá muốn huy động 600 tỉ đồng trái phiếu “hai không”" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com