Khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 140.501.644 cổ phần, tương đương 100% số cổ phần VNPost đang sở hữu và chiếm 8,13% tổng số cổ phần đã phát hành theo vốn thực góp của LienVietPostBank.
Giá khởi điểm chào bán cổ phần là 22.908 đồng/cổ phần. Việc chuyển nhượng vốn của VNPost đầu tư tại LienVietPostBank nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cơ cấu lại khoản vốn góp của VNPost trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thực hiện thoái vốn tại LienVietPostBank.
LienVietPostBank thành lập năm 2008 với tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt và 3 năm sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Sau 9 lần tăng vốn điều lệ, tính đến thời điểm 01/2023, vốn điều lệ thực góp của ngân hàng là hơn 17.291 tỷ đồng.
Sau 15 năm phát triển, đến nay, ngoài trụ sở chính, LienVietPostBank có 03 văn phòng đại diện, 80 chi nhánh, 481 phòng giao dịch phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố cả nước – duy trì vị trí là một trong số các ngân hàng TMCP có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.
Quy mô tài sản của LienVietPostBank tại ngày 30/6/2022 đứng thứ 13 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán tại Việt Nam, trong đó đứng thứ 10 trong top các ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất.
Hoạt động kinh doanh chính của Ngân hàng bao gồm kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hoạt động huy động vốn, hoạt động tín dụng, hoạt động bảo lãnh, hoạt động đầu tư chứng khoán và hoạt động góp vốn, đầu tư dài hạn.
Về hoạt động huy động vốn của LienVietPostBank, nguồn vốn huy động đạt mức tăng trưởng tốt và ổn định qua các năm, chủ yếu tập trung từ tiền gửi khách hàng, dao động từ 68,03% đến 78,71% trong 3 năm trở lại đây.
Căn cứ báo cáo tài chính quý IV/2022, nguồn vốn huy động của LienVietPostBank tại 31/12/2022 là 293.715 tỷ đồng.
Về hoạt động tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay của LienVietPostBank tăng đều qua các năm, từ 17,89% năm 2019 đến 25,68% năm 2020 và đạt 18,3% trong năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đạt 235.507 tỷ đồng, tăng 12,71% so với năm trước đó và tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức an toàn, bằng 1,46% tổng dư nợ cho vay khách hàng (thuộc nhóm các TCTD có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống).
LienVietPostBank hiện đang đầu tư góp vốn vào CTCP Chứng khoán Liên Việt và CTCP điện Việt Lào với tổng giá trị vốn góp gần 316 tỷ đồng.
Tổng giá trị tài sản năm 2022 của ngân hàng đạt 327.746 tỷ đồng, tăng 13,33% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần tăng 31,97%, đạt gần 11.900 tỷ đồng và hoàn thành 110,01% kế hoạch năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Ngân hàng đạt 2.783 tỷ đồng. Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 4.510 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi thành lập và lớn hơn gấp 1,57 lần so với năm 2021, vượt 17,45% so với kế hoạch năm 2022.
Ngân hàng nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo LienVietPostBank có trách nhiệm phối hợp với VNPost xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần, trong đó có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
Đồng thời, văn bản này cũng yêu cầu LienVietPostBank phối hợp với VNPost thông tin đầy đủ tới các nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông theo đúng quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung), trong đó lưu ý cổ đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại LienVietPostBank; không sử dụng nguồn vốn do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để chuyển nhượng cổ phần của LienVietPostBank; không được góp vốn, mua cổ phần của LienVietPostBank dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.
Về số lượng cổ phần đăng ký mua tối đa của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài), nhà đầu tư cần tuân theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam và Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/06/2010, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Nhà đầu tư phải đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức và những người có liên quan theo quy định nêu trên. Đối với số cổ phần nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng vượt quá các quy định tỷ lệ sở hữu nêu trên và không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chấp thuận chuyển quyền sở hữu cổ phần, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam không chịu trách nhiệm cũng như không hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư (kể cả tiền đặt cọc). Số cổ phần nhà đầu tư đã thanh toán nhưng không được mua vẫn thuộc sở hữu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài khi nghiên cứu mua cổ phần LienVietPostBank phải có trách nhiệm cập nhật khối lượng cổ phần LienVietPostBank còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài được công bố hàng ngày trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và đảm bảo khối lượng đăng ký mua không vượt quá khối lượng còn được phép mua của nhà đầu tư nước ngoài do Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh công bố tại thời điểm đăng ký tham dự đấu giá.