Bảo đảm các điều kiện an toàn để người lao động yên tâm trở lại làm việc

“Để bảo đảm nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19, cả chính quyền, doanh nghiệp cần chung tay bảo đảm các điều kiện an toàn để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc”. Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP. HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 01/10.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi hoan nghênh sáng kiến của Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm này để các bên cùng tìm ra giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ LĐTBXH cảm ơn và tiếp thu tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, khu chế xuất đã nêu ra tại Toạ đàm, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách trong thời gian tới. “Để bảo đảm nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19, cả chính quyền, doanh nghiệp cần chung tay bảo đảm các điều kiện an toàn để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc”. Thứ trưởng khẳng định.

img-1514-1633150378.jfif
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Toạ đàm

Chia sẻ tại Toạ đàm, Thứ trưởng nhận định, trong nhiều tháng qua, người dân và doanh nghiệp ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. “Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 gặp phải. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ”, Thứ trưởng cho biết.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn như Nghị quyết  số 42 (Gói 62.000 tỉ đồng); Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Thứ trưởng đánh giá rất cao động thái của rất nhiều doanh nghiệp cùng chung tay góp sức chăm lo cho công nhân, trong đó nhiều doanh nghiệp ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động như một biện pháp hiệu quả để giữ chân người lao động. Tổng 4 gói mà Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 2% GDP. Đây là những chính sách rất kịp thời. Ngoài ra hỗ trợ 135.000 tấn gạo cho các tỉnh, thành phía Nam.

img-1403-1633150379.jfif
Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm, theo Thứ trưởng, để giải bài toán nhân lực lao động cho TP HCM sau đại dịch, cả chính quyền, doanh nghiệp cần chung tay thực hiện các nhóm giải pháp:

Thứ nhất là tăng cường tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động quay trở lại làm việc;

Thứ hai, cần xây dựng kinh tế hùng mạnh, tăng cường năng lực y tế nhằm điều trị kịp thời các ca F0;

Thứ ba, cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động;

Thứ tư, tăng cường đào tạo lại lao động, đảm bảo người lao động có thể quay lại làm việc ngay sau đại dịch;

Thứ năm, đảm bảo giao thông thông suốt, lưu thông hàng hoá;

Thứ sáu, đảm bảo giải pháp “Đầu vào- Đầu ra”, đồng nghĩa với việc giảm giá thành, mở rộng thị trường hàng hoá, xuất khẩu. Các cơ quan, ban, ngành tăng cường cải cách hành chính, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường lao động;

Thứ bảy là các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Đối với doanh nghiệp, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm làm việc;

Thứ tám, tăng cường tuyên truyền, tránh thông tin sai lệch về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước với người lao động;

Thứ chín, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, hướng tới mở rộng độ bao phủ của BHXH, có chính sách thu hút người lao động;

Thứ mười, tăng cường hiện đại hoá thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu lao động hiện đại…