Bảo vệ động vật hoang dã: Cần ‘cái bắt tay’ trách nhiệm từ cộng đồng

Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới là dịp để truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề bảo tồn, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng đa dạng sinh học của sự sống.
dong-vat-hoang-da-pld-1677827748.jpg
Chung tay bảo vệ thế giới động vật, thực vật hoang dã. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ra đời cách đây gần một thập kỷ, Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới (3/3) có ý nghĩa đặc biệt, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng về vấn đề bảo tồn, từ đó cùng nhau “chung tay” bảo vệ thế giới động vật, thực vật hoang dã - nền tảng quan trọng của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh.
Với Việt Nam - quốc gia có đa dạng sinh học cao và đa dạng về loài, việc ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán động vật, thực vật hoang dã càng trở nên cấp thiết, nhất là trong bối cảnh số lượng các loài nguy cấp, bị đe dọa đang ngày tăng lên.

Ngăn chặn nguồn “cung,” giảm “cầu” tiêu thụ

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong khoảng thời gian gần 3 thập kỷ qua, mặc dù các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã được thực hiện ngày càng sâu rộng, nhưng trên thực tế đa dạng sinh học vẫn không ngừng bị suy giảm.

Thậm chí, nhiều loài động vật, thực vật, nhất là các loài quý, hiếm như tê giác, hổ đã trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã ngoài tự nhiên tại Việt Nam, đó là do việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ không bền vững các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm như: Sừng tê giác, ngà voi, vảy têtê, cao hổ, mật gấu, đặc biệt là các loài chim di cư.

Điều đáng nói là, tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cũng cho thấy Việt Nam là một trong số các nước châu Á sử dụng thịt và các sản phẩm khác từ thú rừng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh trong nhiều thế hệ. Đáng chú ý, nhu cầu trên đặc biệt tăng cao trong các dịp lễ quan trọng, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết.

Chỉ riêng năm 2022, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận 399 vụ vi phạm liên quan đến hổ, với hơn 88% số vụ án được phát hiện trên không gian mạng (353/399 vụ).

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước cho rằng việc ngăn chặn, chấm dứt vấn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã là yêu cầu cấp thiết để bảo tồn cũng như cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Crawford Allan - Giám đốc Cao cấp Chương trình phòng chống tội phạm động vật hoang dã thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), buôn bán động vật hoang dã trái phép là vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Đây cũng là vấn đề rất phức tạp, đòi các bên cần phải ngồi với nhau để đưa ra hướng giải quyết.

Ông Crawford Allan cũng lưu ý trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh về phát triển kinh tế, song do yếu tố về địa lý nên Việt Nam cũng được coi là điểm trung chuyển động vật hoang dã trái phép. Vì thế, ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong việc triển khai ngăn chặn các hoạt động chuống buôn bán động vật hoang dã trái phép trong thời gian tới.

Góp thêm giải pháp, quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam Annie Wallace cho rằng để đạt được mục tiêu giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã từ rừng, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó sự tham gia của cộng đồng có vai trò sống còn cho sự thành công của công tác bảo tồn.

bao-ve-dong-vat-pld-1677827748.jpg
Một số loài động vật hoang dã quý, hiếm, hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, như: Hổ, gấu, các loài linh trưởng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Vì thế, chúng tôi kêu gọi cộng đồng hãy cùng chúng tôi nâng cao nhận thức về các nguy cơ của hành vi tiêu thụ thịt động vật hoang dã, nhằm giảm nhu cầu về mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã hiện nay,” bà Annie Wallace nói.

“Chung sức” bảo tồn động, thực vật hoang dã

Để góp phần cải thiện vấn đề trên trên phạm vi toàn cầu, cũng như Việt Nam, năm 2023, Ngày động vật, thực vật hoang dã thế giới được Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề “Chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã” nhằm tôn vinh những người đóng góp đáng kể cho sự bền vững, bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học.

Đây cũng là dịp đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày “ra đời” của Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), trong đó Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia ký cam kết từ năm 1994.

Hưởng ứng ngày lễ sự kiện trên, những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động bổ ích nhằm kêu gọi cộng đồng ngừng săn bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp trên phạm vi cả nước.

Đơn cử, ngày 28/2/2023 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã khởi động Tháng Thanh niên và hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới. Sự kiện thu hút đông đảo người dân địa phương, các cấp chính quyền và các tổ chức liên quan cùng ký cam kết chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Ngày hôm nay (3/3), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hoạt động gặp mặt các doanh nghiệp hội viên 2023 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững,” hướng tới tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Cùng ngày, tại Quảng Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ cũng phát động sáng kiến “Tam Kỳ - Thành phố không tiêu thụ thịt động vật hoang dã”.

Cùng quyết tâm bảo tồn, tại Thừa Thiên-Huế, giải “chạy để bảo tồn động, thực vật hoang dã” dự kiến sẽ được các đơn vị bảo tồn tổ chức vào ngày 5/3 tại Vườn Quốc Gia Bạch Mã. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 500 vận động viên đăng ký tham gia nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã...

Cùng với các tỉnh, thành phố, tại Hà Nội, Viện Dược liệu dự kiến sẽ tổ chức triển lãm dược liệu tại Bảo tàng Dược liệu và khai trương vườn cây thuốc an toàn và bền vững từ ngày 17-19/3. Triển lãm được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng dược liệu an toàn, không dùng động thực vật hoang dã bất hợp pháp./.