Các cuộc xung đột trên thế giới hiện nay cho thấy, ngay cả quốc gia có tiềm lực lớn về quốc phòng - an ninh và công nghệ vẫn có thể bị động trước bất ngờ chiến lược mang tầm ảnh hưởng sâu rộng. Việc nghiên cứu toàn diện về bất ngờ chiến lược có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “bất ngờ chiến lược” thường được hiểu là sự kiện có tính đột biến, vượt khỏi khả năng dự báo thông thường, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. (Nguồn: INSS)
Về khái niệm bất ngờ chiến lược
Trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “bất ngờ chiến lược” thường được hiểu là sự kiện có tính đột biến, vượt khỏi khả năng dự báo thông thường, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia, từ đó buộc quốc gia phải điều chỉnh một cách căn bản chính sách đối ngoại và định hướng chiến lược. Ngay cả khi có đầy đủ thông tin, nhà hoạch định chính sách vẫn có thể rơi vào tình trạng bị động do định kiến nhận thức và áp lực về thời gian, dẫn đến việc không thể nhìn nhận đúng bản chất của các mối đe dọa mới.
Tương tự, trong công trình nghiên cứu quan trọng về vụ tấn công bất ngờ nhằm vào Trân Châu Cảng (Mỹ) năm 1941, học giả người Mỹ Roberta Wohlstetter (1912-2007) đã chỉ ra rằng, sở hữu số lượng thông tin nhiều hơn không phải lúc nào cũng giúp ngăn chặn bất ngờ chiến lược xảy ra. Thậm chí, thất bại trong việc dự đoán và ngăn chặn bất ngờ chiến lược thường không phải do thiếu thông tin, mà do lượng “nhiễu” quá lớn, vốn không thể tránh khỏi khi xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ. Thách thức này càng trở nên gay gắt trong thời đại số hóa hiện nay, khi các quốc gia phải đối mặt với luồng thông tin và dữ liệu khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời tốc độ biến đổi của tình hình quốc tế cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Từ một góc nhìn khác, học giả người Mỹ Erik Dahl nhấn mạnh đến hai yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa bất ngờ chiến lược: Một là, thông tin chính xác ở cấp độ chiến thuật; hai là, mức độ tiếp nhận của nhà hoạch định chính sách đối với các cảnh báo. Thông qua việc so sánh sự tham gia của Mỹ tại trận chiến Trân Châu Cảng và trong trận hải chiến Midway ở chiến trường Thái Bình Dương, ông Erik Dahl chỉ ra rằng, thành công trong việc ngăn chặn bất ngờ chiến lược không chỉ phụ thuộc vào khả năng phân tích chiến lược tổng thể, mà còn đòi hỏi thông tin cụ thể, có tính hành động và sự sẵn sàng tiếp nhận, xử lý thông tin của các nhà lãnh đạo. Lý thuyết này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh hiện nay, khi các quốc gia phải đối mặt với nhiều loại hình thách thức an ninh mới, từ khủng bố đến tấn công mạng, đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa năng lực thu thập thông tin và khả năng ra quyết định kịp thời của bộ máy hoạch định chính sách.
Nhìn chung các nghiên cứu cho thấy, bất ngờ chiến lược mang tính đa chiều và phức hợp, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là thách thức tổng hợp bao gồm cả yếu tố nhận thức, tổ chức và hệ thống, đòi hỏi quốc gia xây dựng một quy trình, hệ thống tổng thể kết hợp giữa năng lực thu thập và xử lý thông tin chi tiết, khả năng phân tích chiến lược cũng như sự linh hoạt trong quá trình ra quyết định. Trong bối cảnh địa - chính trị toàn cầu ngày càng bất định, với sự xuất hiện của các sáng tạo đột phá, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và các hình thái xung đột mới trong không gian mạng, khả năng nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược đang trở thành một trong những năng lực cốt lõi nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
Kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với bất ngờ chiến lược
Một nghiên cứu về xung đột quốc tế đã chỉ ra có tới 68 trường hợp bất ngờ chiến lược được ghi nhận trong thế kỷ XX, thường xuất hiện sau những giai đoạn căng thẳng và khủng hoảng. Đặc điểm này gợi mở một nghịch lý cơ bản trong nghiên cứu về bất ngờ chiến lược, đó là ngay cả khi các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện, quốc gia vẫn có thể rơi vào tình thế bị động do hạn chế trong nhận diện và phản ứng đối với các dấu hiệu này.
Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đặt ra một thách thức mới trong việc nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược. (Nguồn: Getty)
Kể từ sau năm 1945, bản chất của bất ngờ chiến lược đã có thay đổi căn bản. Thứ nhất, phạm vi của bất ngờ chiến lược đã mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự truyền thống, bao gồm cả hình thức tấn công khủng bố, tấn công mạng và các cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính có tác động địa-chính trị. Thứ hai, yếu tố công nghệ đã trở thành một biến số quan trọng, vừa tạo ra công cụ mới trong việc dự báo và phòng ngừa, vừa mở ra kênh tấn công và gây bất ngờ mới. Thứ ba, các cuộc xung đột khu vực, dù quy mô có thể hạn chế, nhưng có thể tạo ra hệ quả mang tính chiến lược toàn cầu thông qua hiệu ứng dây chuyền và sự kết nối ngày càng chặt chẽ của hệ thống quốc tế.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 cho thấy, bất ngờ chiến lược có thể xuất phát từ việc các nước đánh giá sai về ngưỡng chấp nhận rủi ro của đối phương. Hệ quả của cuộc khủng hoảng dẫn đến việc thiết lập “đường dây nóng” giữa Liên Xô, Mỹ và cơ chế đối thoại thường xuyên giữa hai siêu cường, cũng như sự ra đời của nhiều điều ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân trong những thập niên tiếp theo.
Trong khi đó, cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa các nước Arab và Israel vào năm 1973 là ví dụ điển hình về cách một liên minh quốc gia có thể tạo ra bất ngờ chiến lược thông qua việc khai thác “điểm mù” trong tư duy chiến lược của đối phương. Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel đã phát triển một “khái niệm phòng thủ” dựa trên niềm tin vào ưu thế quân sự tuyệt đối và học thuyết cảnh báo sớm. Ai Cập và Syria đã khai thác thành công điểm yếu trong tư duy này, tiến hành một chiến dịch nghi binh tinh vi kéo dài nhiều tháng, bao gồm hơn 40 cuộc tập trận quy mô lớn dọc biên giới, khiến Israel dần mất cảnh giác trước các hoạt động quân sự này. Đồng thời, Ai Cập và Syria tận dụng các yếu tố văn hóa, tôn giáo (lựa chọn ngày lễ Yom Kippur) và địa - chiến lược (tấn công đồng thời trên hai mặt trận) để tối đa hóa yếu tố bất ngờ.
Kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh này đã dẫn đến thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Israel đối với vấn đề bất ngờ chiến lược. Một là, Israel thiết lập một đơn vị chuyên thách thức các giả định chiến lược đang chiếm ưu thế, nhằm giảm thiểu điểm mù trong phân tích tình báo. Hai là, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tầng, kết hợp cả yếu tố công nghệ và con người, với sự chú trọng đặc biệt vào việc theo dõi thay đổi nhỏ trong môi trường chiến lược. Ba là, phát triển học thuyết “các lớp phòng thủ”, không chỉ dựa vào một lớp phòng thủ duy nhất, dù lớp phòng thủ đó hết sức hiện đại. Bài học này được cho là vẫn còn nguyên giá trị đối với quốc gia vừa và nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Bước vào thế kỷ XXI, sự kiện tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc của Mỹ (11/9/2001) đã đặt ra một thách thức mới trong việc nhận diện và ứng phó với bất ngờ chiến lược. Tính bất ngờ không nằm ở việc thu thập thông tin bởi đã có nhiều báo cáo tình báo đề cập đến tổ chức khủng bố Al-Qaeda trong giai đoạn trước cuộc tấn công, mà ở việc không thể kết nối các mảnh thông tin rời rạc thành một bức tranh tổng thể. Báo cáo của Ủy ban quốc gia Mỹ về các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ (hay còn gọi là Ủy ban 9/11) được thành lập bởi Tổng thống Mỹ George Bush vào năm 2002 cũng nhận định, đây là hệ quả của sự “thất bại về trí tưởng tượng” và hạn chế trong cấu trúc tổ chức của cơ quan tình báo Mỹ, gây cản trở việc chia sẻ thông tin quan trọng một cách xuyên suốt trong toàn bộ mạng lưới cơ quan an ninh. Ngay sau đó, Mỹ đã thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng nhất trong lịch sử ngành tình báo, bao gồm việc thành lập Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), cấu trúc lại quy trình chia sẻ thông tin và xây dựng trung tâm phân tích liên ngành.
Trong khi Mỹ tập trung vào cải tổ thể chế quy mô lớn, một số quốc gia vừa và nhỏ đã phát triển những cách tiếp cận khác nhau để ứng phó với bất ngờ chiến lược. Singapore, với vị trí địa - chiến lược nhạy cảm và dễ bị tổn thương, đã xây dựng một hệ thống “cảnh báo tổng hợp” dựa trên ba trụ cột. Thứ nhất, phát triển năng lực dự báo chiến lược thông qua Văn phòng Kịch bản quốc gia và Trung tâm Tình huống quốc gia, tập trung vào xây dựng kịch bản và diễn tập ứng phó thường xuyên. Thứ hai, tăng cường năng lực tự cường của cả xã hội thông qua chương trình “quốc phòng tổng lực”, giúp chuẩn bị tâm lý và năng lực ứng phó của người dân trước những tình huống khẩn cấp. Thứ ba, duy trì mạng lưới quan hệ đối ngoại đa dạng để có nhiều nguồn thông tin và hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, Singapore cũng chủ động đan cài lợi ích một cách sâu sắc, toàn diện với các nước lớn thông qua thu hút các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đến đặt trụ sở. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và nhiều thiết chế quốc tế khác cũng đặt trụ sở tại Singapore.
Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số đặc điểm chung trong cách tiếp cận hiệu quả đối với bất ngờ chiến lược.
Một là, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa tầng, không chỉ dựa vào công nghệ hay tình báo kỹ thuật, mà còn phải kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ ngoại giao đến phân tích học thuật. Kinh nghiệm của Israel và Singapore cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập các nhóm chuyên gia được giao nhiệm vụ thách thức các giả định chiến lược đang được chấp nhận rộng rãi đóng vai trò hết sức quan trọng để có thể tránh tối đa “điểm mù” trong quá trình hoạch định chính sách.
Hai là, các quốc gia thành công trong việc ứng phó với bất ngờ chiến lược thường xây dựng được cách tiếp cận tổng thể, vượt ra ngoài giải pháp quân sự và công nghệ đơn thuần. Trong khi duy trì năng lực răn đe và phòng thủ truyền thống, các quốc gia này đặc biệt chú trọng việc nâng cao tính tự cường của toàn xã hội (societal resilience). Mô hình “phòng thủ toàn diện” của các nước Bắc Âu được xem là ví dụ điển hình. Thụy Điển và Phần Lan đã phát triển các chương trình có hệ thống nhằm nâng cao nhận thức và năng lực tự cường của người dân trước tình huống khủng hoảng, từ xung đột vũ trang đến các thách thức an ninh phi truyền thống, như tấn công mạng hay chiến tranh thông tin. Cách tiếp cận này giúp tạo ra một “lớp đệm” quan trọng, góp phần giảm thiểu tác động của cú sốc chiến lược và tăng cường khả năng thích ứng của quốc gia trước tình huống bất ngờ.
Ba là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, quốc gia vừa và nhỏ đã phát triển các cách thức sáng tạo để tăng cường khả năng dự báo và ứng phó. Đơn cử như, xây dựng mạng lưới đối tác đa dạng, tham gia tích cực vào cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời duy trì sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại để tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ đối tác nào.
Bốn là, xây dựng năng lực ứng phó với bất ngờ chiến lược là một quá trình liên tục và thích ứng. Các mối đe dọa ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và linh hoạt, có khả năng tích hợp bài học mới và thích ứng với thay đổi trong môi trường chiến lược. Đây là kinh nghiệm quý báu mà quốc gia vừa và nhỏ có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện năng lực dự báo và ứng phó với bất ngờ chiến lược trong bối cảnh mới.