Việt Nam có tiềm năng phong phú về cảnh vật, văn hóa, con người…, một số địa phương từng là địa điểm quay phim của các bộ phim bom tấn trên thế giới, như phim “Pan” từng quay ở Hạ Long, Ninh Bình, “Người Mỹ trầm lặng” từng quay ở Hà Nội, Hạ Long, “Kong – The Skull Island” quay ở Ninh Bình, Quảng Bình…
Tuy nhiên, số lượng đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các cảnh quay chưa nhiều, đặc biệt là số lượng các đoàn làm phim lớn, như lời Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: “tính ra trong một năm còn chưa hết số ngón trên hai bàn tay”.
Nghịch lý là hiện nay nhiều địa phương đã có cơ sở hạ tầng rất tốt, về mặt dịch vụ, kỹ thuật và con người đều đủ điều kiện và sẵn sàng phục vụ các đoàn làm phim quốc tế lớn, nhưng dường như những điều này vẫn chưa được biết đến nhiều.
Chia sẻ về điều này, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, lợi thế của Ninh Bình là có những cảnh quan thiên nhiên đẹp, các di tích lịch sử, đồng thời, tỉnh cũng bảo đảm về mặt cơ sở hạ tầng, các dịch vụ như: khách sạn, nhà hàng… nhằm phục vụ thuận tiện các nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ cho đoàn phim. Tuy nhiên, dù đã được hỗ trợ, khuyến khích về nhiều mặt, nhưng sự hợp tác giữa du lịch và điện ảnh vẫn thiếu chiến lược cụ thể với quy mô quốc gia. “Chỉ khi việc sản xuất các tác phẩm nghệ thuật được ủng hộ, hình ảnh của du lịch Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng mới thực sự lan tỏa” – ông Bùi Văn Mạnh nói.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đưa ra một chi tiết cụ thể: “Chẳng hạn, đầu mối hỗ trợ cho các đoàn làm phim chưa đồng bộ. Chúng ta nên có đầu mối này bởi đây sẽ là đội ngũ hỗ trợ đoàn phim từ những thủ tục ban đầu cho đến các việc bàn bạc với các bên liên quan và giúp sức khi có vấn đề phát sinh xảy ra”.
Đó chính là lý do ông Mạnh đưa ra ý kiến cần có chiến lược từ đầu đối với việc hỗ trợ, quảng bá cho các đoàn làm phim: “Từ thực tế phát triển du lịch ở Ninh Bình, tôi đề xuất cần có chiến lược tổng thể, từ cơ chế chính sách của Trung ương đến địa phương về phát triển, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim đồng thời có những chính sách giới thiệu, thu hút các đoàn làm phim một cách bài bản”.
Đà Nẵng cũng là một địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng cả về văn hóa và thiên nhiên. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có hệ thống rừng núi sông hồ hết sức đặc biệt, có Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, có biển đảo, có văn hóa đô thị hết sức đặc sắc. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống dịch vụ rất hoàn chỉnh, hơn 1.300 khách sạn, giao thông thuận lợi và sự hỗ trợ của doanh nghiệp cũng rất sẵn sàng.
“Chúng tôi có khả năng hỗ trợ các đoàn làm phim vừa về ăn ở đi lại, vừa về các ý tưởng sáng tạo, vừa về nguồn nhân lực tham gia” – ông Cao Trí Dũng khẳng định. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được các đoàn làm phim nước ngoài.
Ông Cao Trí Dũng cho rằng, điện ảnh và du lịch là hai lĩnh vực có những đặc thù rất riêng, đã có những khung pháp lý cần thiết, đã có Luật Điện ảnh, Luật Du lịch, các bối cảnh phim bom tấn, đã nhìn thấy hiệu quả, và cũng đã có sự sẵn sàng từ các địa phương. “Đứng từ góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị nên có một đề án tổng thể từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là đơn vị chủ trì thực hiện nhiều hoạt động liên quan trong mối quan hệ phối hợp giữa điện ảnh và du lịch để có đánh giá, phân tích, nhận định, tạo sự đồng thuận chung từ phía quản lý Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai rất nhiều nội dung hợp tác giữa điện ảnh và du lịch” – ông nói.
Hiện nay cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được các đoàn làm phim nước ngoài.
Ông Cao Trí Dũng cho rằng, cần phải có nghiên cứu về tầm quan trọng, về các nội dung hợp tác, đặc biệt là phải có sự phân công giữa các bên liên quan để tạo ra một khung pháp lý dưới luật rõ ràng, hệ thống thông tin đầy đủ, các gói hỗ trợ từ phía địa phương cũng như ở tầm quốc gia. Từ phía Bộ, Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh, các địa phương, nên có một đề án phối hợp với các cục Điện ảnh và Du lịch Quốc gia, trong đó có phân tích rõ, phân công Bộ làm gì, các địa phương làm gì…
“Khi các đoàn làm phim có yêu cầu, chúng ta đã có sẵn một cơ sở dữ liệu hết sức đầy đủ ở tầm quốc gia cũng như ở tầm địa phương và doanh nghiệp. Khi đó chúng ta mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động xúc tiến đến các sự kiện lớn, các liên hoan phim quốc tế, các trung tâm điện ảnh như Hollywood, Bollywood, sẵn sàng ký các thỏa thuận MOU với các trung tâm điện ảnh, và khi đó với sự sẵn sàng như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến của các đoàn làm phim với các kịch bản hay” – ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Quảng Bình cũng là địa phương có nhiều thay đổi trong phát triển du lịch sau khi các đoàn làm phim quốc tế đến quay tại đây. Từng là bối cảnh, nơi ghi hình cho một số bộ phim, chương trình trong nước và quốc tế như một số bộ phim, video ca nhạc nổi bật như: “Good Morning America”, “Kong: The Skull Island”, “Alone Pt II” của DJ, Alan Walker, một phần của tập 6 của “Planet Earth III – Extremes”; “Người bất tử”…, số du khách quốc tế đến Quảng Bình tăng lên đáng kể so với trước đây. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, sau khi bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” khởi chiếu, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng gấp nhiều lần so với trước đó.
Việc triển khai các dự án phim trên tại Quảng Bình đã giúp ngành du lịch địa phương thấy rằng nhu cầu của các điểm đến du lịch tại Việt Nam đối với xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch là rất lớn. Đồng thời việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là các bộ phim “bom tấn” Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quý, để biến nhu cầu đó thành các sản phẩm cụ thể, cần phải có kế hoạch thực hiện dài hạn với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng xúc tiến, làm đầu mối; xác định, triển khai phương thức tiếp cận đúng, trực tiếp đến những người có khả năng quyết định việc triển khai các dự án phim; tạo điều kiện thuận lợi cho các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim và sẵn sàng các tư liệu giới thiệu các điểm phim trường, các chính sách hỗ trợ, đồng hành với đoàn làm phim; đồng thời cũng phải có những thỏa thuận cụ thể về công tác bảo mật thông tin, quảng bá, truyền thông khi triển khai các dự án phim.
Với một kế hoạch tổng thể từ vai trò “tổng chỉ huy” là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với các Cục Du lịch Quốc gia và Cục Điện ảnh, các Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, Du lịch, Lữ hành… cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, địa phương, việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến mới trên bản đồ điện ảnh quốc tế sẽ không còn quá xa xôi nữa.