Giữa thị trường giải trí đa phần chiều theo thị hiếu giải trí của khán giả, các bộ phim vang danh một thời như Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Ròm… như những điểm sáng lấp lánh và khác biệt giữa vô vàn thể loại phim ảnh. Điểm chung của các bộ phim này ở chỗ đều đậm tính điện ảnh, duy mỹ, mang chiều sâu và ngụ ý rõ ràng. Không chỉ “ẵm” loạt giải thưởng lớn nhỏ, loạt phim điện ảnh làm rạng danh Việt Nam còn bền bỉ cùng thời gian, được khán giả đón nhận tích cực.
Ròm
Ròm là bức tranh lem luốc về hiện thực xã hội lơ lơ lửng lửng, kể về Ròm (Trần Anh Khoa) - cậu nhóc bán số đề ở một chung cư nghèo.Nhân vật Ròm hòa mình vào dòng đời, dành vài đồng tiền chờ ngày tìm về người nhà. Cậu dùng mọi chiêu trò để dụ người xung quanh đánh đề chỉ để đổi lấy mấy chục nghìn tiền bán giấy dò hay hoa hồng (nếu trúng) mỗi ngày. Bên cạnh đó, cậu còn phải đối mặt với sự tranh giành địa bàn của Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú). Đời Ròm lòng vòng nghèo - đề - nghèo. Ròm vì người, người lừa Ròm, người vì tiền.
Phim đặt ra rất nhiều vấn đề, từ vụ cả khu trúng đề rồi nợ tiền của chủ nợ (rapper Wowy đóng), vụ Ròm đi tìm cha mẹ, Ròm và Phúc (Anh Tú Wilson) từ thù thành bạn, câu chuyện của bà Ghi (Cát Phượng đóng), đến cả nhà giáo đã về hưu như Bà Ba (do nghệ sĩ gạo cội Thiên Kim thủ vai) cũng chọn cái kết trong ngõ cụt. Tất cả cho thấy sự đau khổ và cùng quẫn của cái nghèo cũng như niềm vui trúng được vài chục triệu mà chẳng nghĩ đến việc đã mất vài tỷ.
Vốn được đánh giá khó xem, không thuộc dạng thương mại, giải trí thông thường, Ròm thành công khi “tạo động lực cho nhiều nhà làm phim Việt”. Phim đoạt giải Làn sóng mới (New Currents) tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019, giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Fantasia 2020, Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Barcelona 2020. Trần Anh Khoa đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á 2021. Ngoài ra Ròm còn được vinh danh Phim được yêu thích nhất tại giải Mai Vàng 2021.
Trăng nơi đáy giếng
Trăng nơi đáy giếng là tác phẩm “mê hoặc” khán giả yêu thích dòng phim nghệ thuật, với ngôn ngữ điện ảnh tinh tế. Giống Cánh đồng bất tận, Trăng nơi đáy giếng thành công ở cả bản truyện ngắn, kịch và truyền hình, là phim Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt. Bộ phim “ẵm” khá nhiều giải như Cánh diều bạc năm 2008, diễn viên Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế Dubai 2008; giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của giải Cánh diều vàng năm 2008…
Nội dung Trăng nơi đáy giếng nói về số phận một cô giáo tên Hạnh (Hồng Ánh) luôn một lòng tôn thờ chồng và hết mực vì gia đình chồng - một gia đình truyền thống ở Huế. Tiếc thay người phụ nữ đảm đang này lại bất hạnh khi bị vô sinh. Cô giáo Hạnh lặng lẽ, âm thầm hy sinh lần lượt từng thứ của cuộc đời - từ cuộc sống hàng ngày, tình cảm vợ chồng đến sự nghiệp dạy học, thậm chí cả quyền làm vợ trong hôn nhân. Phim là bi kịch của người phụ nữ trong tình yêu mù quáng, bi kịch của người đàn bà yêu chồng đắm đuối mà không thể có con. Người phụ nữ tê tái vì đau khổ rồi hồi sinh với một niềm tin lạ lùng vào cõi tâm linh giữa cuộc đời.
Trăng nơi đáy giếng vừa mang bản sắc riêng vừa chạm đến đông đảo đối tượng người xem. Diễn xuất của Hồng Ánh trong phim có chất riêng mà không mất đi sức truyền cảm. Vai Hạnh có rất nhiều “đất diễn” để nữ diễn viên bộc lộ nội tâm, diễn sâu, trầm lắng và tinh tế. Mỗi hành động nhỏ trong Trăng nơi đáy giếng đều gửi gắm nhiều ý nghĩa khiến người xem thoả mãn về mặt hình ảnh, vừa thỏa mãn về nội dung.
Mùa len trâu
Mùa len trâu phác họa cuộc sống cơ cực của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải chịu cảnh làm thuê cho địa chủ, còng lưng gánh thuế. “Đây là thế giới của những người đàn ông không làm chủ được gì, ngay cả bầy trâu chúng tôi len trong nước, ba nổi bảy chìm” là câu nói khái quát cuộc đời của Kìm (Lê Thế Lữ) và những người nông dân. Mùa len trâu vừa có tính chân thực của một bộ phim tài liệu vừa mang nét uyển chuyển của một tác phẩm điện ảnh.
Mùa len trâu tham dự gần mười liên hoan phim khu vực và quốc tế và giành được những giải thưởng đáng kể: Giải đặc biệt tại LHP Locarno, Thụy Sĩ; giải đạo diễn mới xuất sắc nhất tại LHP Chicago, Mỹ; giải Kỳ Lân Vàng, Grand prix tại LHP Amiens, Pháp; giải đặc biệt của LHP Amazonas, Brasil; giải cao nhất tại Liên hoan phim Asian Marine, Mukuhari (Nhật Bản).
Áo lụa Hà Đông
Giữa vô vàn cái tên tiêu biểu về chủ đề chiến tranh, Áo lụa Hà Đông nổi bật hơn hẳn khi khắc họa những tháng ngày lầm than của Dần (Trương Ngọc Ánh) và Gù (NSƯT Quốc Khánh) giữa bom đạn khói lửa. Phim được xướng tên trong nhiều LHP trong nước và quốc tế như Phim truyện nhựa xuất sắc, Đạo diễn phim nhựa xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Âm thanh xuất sắc tại giải Cánh Diều Vàng 2006; Bình chọn của khán giả tại LHP Quốc Tế Busan 2006; NSƯT Quốc Khánh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại giải Cánh Diều Vàng 2006 và Trương Ngọc Ánh đoạt giải Nữ diễn viên được yêu thích nhất tại giải Mai Vàng 2007.
Áo lụa Hà Đông thể hiện được hết những cảnh cơ cực khổ sở của người dân Việt Nam đồng thời nhấn mạnh được vẻ kiên cường bất khuất vượt qua mọi khổ sở để phấn đấu có một tương lai tươi sáng hơn. Xuyên suốt phim là những khung cảnh làng quê hiện lên với một màu rất u ám và ảm đạm, cùng với đó là trang phục cổ truyền và tiếng đàn nhị kéo dài lay lắt không thôi.
Điểm tinh tế của phim khi chèn thêm vài câu bông đùa của các nhân vật để làm giảm bớt căng thẳng, nhẹ nhàng tạo ra tiếng cười cho khán giả nhưng không làm hỏng đi mạch cảm xúc của phim, điều mà có lẽ phần lớn phim Việt Nam đã không thể làm được.
Áo lụa Hà Đông vẫn xây dựng nhân vật theo những khuôn mẫu cũ, phân biệt giai cấp địa chủ và dân nghèo. Chiến tranh, thiên tai, số phận được khắc họa trong phim vừa khắc nghiệt, vừa tàn bạo, khiến người xem rùng mình khi hình dung về nỗi đau khổ mà người dân chịu đựng để đổi lấy hai từ “hòa bình”. Từng nhân vật đều được khắc họa một cách hoàn hảo, không ai bị lu mờ kể cả những diễn viên nhí cũng rất tròn vai. Tất cả cộng hưởng giúp Áo lụa Hà Đông xứng đáng với mọi giải thưởng đã đạt được không những trong nước mà còn vang danh khắp nơi trên thế giới.
Song lang
Khác với thể loại đời, chiến tranh hay phụ nữ trong Ròm, Áo lụa Hà Đông và Trăng nơi đáy giếng…, Song lang là tác phẩm về góc nhìn cải lương, đam mê, con người và xã hội. Cách xây dựng tâm lý nhân vật trong phim không bị gượng ép mà tự nhiên.
Nghệ sĩ cải lương có ngôn ngữ của nghệ sĩ cải lương, giang hồ có cách nói của giang hồ, không một màu và không lẫn đi đâu được. Nhịp phim chậm rãi, êm ả, không chứa nhiều kịch tính nhưng chính điều đó lại mang đến sự chiêm nghiệm. Kèm theo đó, thoại phim cũng rất đời nhưng cũng chứa đựng thông điệp sâu sắc. Câu chuyện của Linh Phụng (Isaac) và Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) mang nỗi vấn vương khiến người xem ám ảnh mãi không nguôi.
Song lang là tác phẩm nghệ thuật “hòa quyện giữa cải lương và cuộc sống”, mang một chút hơi hướng đam mỹ, hấp dẫn theo cách riêng. Bộ phim chiến thắng nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng: Giải Tokyo Gemstone tại LHP quốc tế Tokyo 2018, Phim truyện điện ảnh xuất sắc tại giải Cánh diều 2019, đoạt Bông Sen Vàng - Phim truyện điện ảnh xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2019, Isaac và Liên Bỉnh Phát lần lượt được đề cử và đoạt giải Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất tại giải thưởng Ngôi Sao Xanh 2019...