Chiến lược “ăn theo phim” của Netflix

Netflix chuẩn bị ra mắt nhà hàng với các đầu bếp từ những chương trình ăn khách của mình. Lần này, Netflix đẩy mạnh chiến lược ăn theo phim sang cả mảng “mới toe” là ẩm thực.
ong-lon-mang-dich-vu-streaming-pld-1687253622.jpg

Ông lớn mảng dịch vụ streaming này vừa thông báo khai trương nhà hàng pop-up mang tên Netflix Bites từ ngày 30/6 tại Los Angeles. Chỗ này rất gần The Grove, nơi Netflix mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình năm 2022.

Tại Netflix Bites, điều đặc biệt thu hút khách hàng chính là đầu bếp. Họ là các đầu bếp nổi tiếng bước ra từ những chương trình ăn khách của Netflix, chẳng hạn “Iron Chef: Quest for an Iron Legend” (đầu bếp Curtis Stone, Dominique Crenn, Ming Tsai, Andrew Zimmern), hoặc “Chef’s Table” (đầu bếp Rodney Scott và Ann Kim), hay “Nailed It!” (đầu bếp Jacques Torres). Ngoài ra, đứng bếp chế biến còn có những ngôi sao khác như Nadiya Hussain từ “Nadiya Bakes” hoặc chuyên gia pha chế từ chương trình “Drink Master”.

Nhà hàng sẽ mở cửa mỗi ngày từ 17h đến 22h. Ngoài ra cuối tuần họ còn phục vụ thêm thực đơn brunch từ 10h đến 14h00.

Hiện tại Netflix vẫn chưa tiết lộ chi tiết thực đơn có gì hoặc giá cả ra sao.

Đây là lần đầu tiên Netflix tiến vào mảng kinh doanh ẩm thực. Nhưng đây không phải lần đầu Netflix áp dụng chiến lược ăn theo phim ảnh.

Khoảng hai năm trước, vào giữa năm 2021, Netflix chính thức khai trương một trang thương mại điện tử mang tên Netflix.shop, bày bán những món đồ như mũ, vòng cổ, áo hoodie, v.v.. Hầu hết các sản phẩm này đều gắn liền với bộ phim hoặc chương trình truyền hình nào đó của Netflix. Hoặc họ cũng hợp tác với Halston, một thương hiệu cao cấp của Mỹ, để ra mắt bộ sưu tập áo choàng gồm 10 chiếc có giá từ 995 USD đến 1.595 USD.

Những động thái trong các năm vừa qua lẫn trong năm nay cho thấy Netflix vẫn đang rất tâm huyết với chiến lược ăn theo phim ảnh. Tuy nhiên trong mảng này, có lẽ Netflix còn khá lâu mới có thể theo kịp ông trùm Disney.

Chẳng ai phủ nhận nổi sự thống trị của Disney trong mảng sản phẩm ăn theo. Các món đồ như váy áo công chúa, búp bê những nhân vật công chúa, đồ chơi ăn theo Toy Story, Up, Aladin, v.v. xuất hiện khắp thế giới. Họ sở hữu nhiều cửa hàng, từ trực tuyến cho đến truyền thống ở New York. Chính điều này khiến Disney trở thành con đường hình mẫu mà các hãng giải trí khác cũng muốn bắt chước làm theo. Và trong đó chắc chắn có cả Netflix.

Duyên phận cạnh tranh của Disney và Netflix bắt đầu từ giữa năm 2017, khi Disney công bố kế hoạch ra mắt dịch vụ phim trực tuyến (streaming) của mình. Bản chất thực sự của cuộc cạnh tranh có thể được đo lường bằng việc liệu Disney có thể trở thành Netflix trước, hay Netflix có thể trở thành Disney.

Nếu phân tích theo hướng này, có thể thấy rằng Netflix đang gặp một chút bất lợi. Đi theo mô hình đa dạng luồng doanh thu như Disney, Netflix cần thời gian để xây dựng hệ sinh thái tương tự. Và tính đến hiện nay, có thể nói rằng mảng dịch vụ ăn theo của Netflix vẫn chưa quá nổi bật, nhất là khi so sánh với Disney. Ở chiều ngược lại, dịch vụ streaming của Disney lại phát triển khá nhanh, và đã trở thành một trong những đối thủ chính của Netflix.

Dĩ nhiên, hiện tại ngôi vương streaming vẫn nằm chắc trong tay Netflix. Còn ở mảng sản phẩm ăn theo phim ảnh, với bộ sưu tập các tựa phim và những chương trình nổi tiếng, có lẽ Netflix sẽ dần dần gặt hái được một số thành tựu nhất định. Do đó chưa thể nói rằng Netflix đang thua thiệt trên con đường phát triển và cạnh tranh của mình.