Theo đó, gần một năm nay, thị trường xăng dầu trong nước liên tục biến động bất thường, tại tháng 02/2022, hàng loạt cây xăng trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam đồng loạt treo biển hết hàng, tạm nghỉ bán, vì thiếu hụt nguồn cung, giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.
Sự việc này tiếp tục lặp lại sau hơn 6 tháng sau, đỉnh điểm trong giai đoạn đầu tháng 10/2022, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại khu vực các tỉnh phía nam đồng loạt đóng cửa, hoặc chỉ bán cầm chừng tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô.
Trong khi, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và trên tất cả, xăng dầu cũng là hàng hóa liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do Nhà nước quản lý, điều tiết để đảm bảo ổn định vĩ mô và an sinh xã hội.
Thế nhưng, khi những bất ổn xảy ra, thay vì có những giải pháp kịp thời, phù hợp để ổn định lại thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước được giao chịu trách nhiệm quản lý lại có những biểu hiện chậm trễ, né tránh khiến những bất ổn của thị trường ngày một lan rộng, dẫn đến hàng loạt khó khăn trước khi được “tháo gỡ” tạm thời một vài ngày gần đây.
Từ thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc quản lý kinh doanh và phân phối xăng dầu trong nước đã và đang tồn tại những bất ổn, nhất là khi nhìn vào nhiều quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, tại nhiều quốc gia, chuỗi cung ứng, phân phối xăng dầu được phân chia rõ ràng cho từng chủ thể. Có thể kể đến như Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiều xăng dầu nhất thế giới và cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi giá mặt hàng này biến động.
Tại quốc gia này, chính phủ không giới hạn điều kiện tham gia thị trường và quyền kinh doanh, bao gồm cả quyền nhập khẩu và quyền phân phối xăng dầu. Quy định này giúp xóa bỏ các hành vi cạnh tranh và độc quyền xăng dầu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn về giá cả cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ còn tập trung đẩy mạnh công nghệ năng lượng xanh để tránh bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Dù các doanh nghiệp tư nhân tại nước này nắm giữ chuỗi cung ứng từ lọc dầu đến nhập khẩu và cả phân phối sản phẩm, mức giá đề ra vẫn có bàn tay của chính phủ. Đặc biệt, Mỹ chủ trương áp dụng mức thuế suất ổn định và tương đối thấp đối với giá xăng dầu trong nước để tạo điều kiện về giá cho người dân.
Quan trọng hơn, để giữ ổn định thị trường xăng dầu trong mọi tình huống, nước này luôn ưu tiên đẩy mạnh dự trữ thông qua việc tham gia chương trình năng lượng của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Trong trường hợp có sự mất cân đối đáng kể trên thị trường, lượng xăng dầu dự trữ sẽ được bán ra để hỗ trợ.
Không chỉ nước Mỹ, tại Trung Quốc, nền kinh tế vừa sản xuất, xuất khẩu, lại vừa nhập khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới, luôn phải áp dụng những biện pháp quản lý giá xăng dầu rất chặt chẽ.
Tại quốc gia này, chỉ 2 doanh nghiệp của Nhà nước là Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Xăng dầu – Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) được quyền kinh doanh và phân phối xăng dầu. Khi mặt hàng này được phân phối ra, mỗi cửa hàng sẽ chỉ được nhận hàng ở một đầu mối trong 2 doanh nghiệp kể trên, theo đúng quy trình kiểm soát của Nhà nước. Bên cạnh đó, các cây xăng nhỏ lẻ cũng phải đáp ứng các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn kho chứa hay quy định cấm dự trữ mà chính phủ nước này đề ra.
Về chính sách giá, mỗi tháng Trung Quốc sẽ công bố giá bán lẻ định hướng (phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới với hệ số 0,5 cho giá tại Singapore; 0,3 giá tại London và 0,2 giá tại New York) đối với xăng dầu. Mức giá này chỉ thay đổi nếu có biến động đặc biệt trong tháng và giá bán tại cây xăng chỉ được phép dao động trong khoảng 8% giá bán lẻ định hướng trên.
Về chính sách dự trữ, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng kho dự trữ chiến lược chứa 20 triệu tấn xăng dầu và luôn sẵn sàng bơm ra thị trường bất cứ lúc nào.
Nói gần hơn, ngay tại Đông Nam Á, một số quốc gia như Malaysia hay Indonesia cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý kinh doanh và phân phối xăng dầu nội địa.
Tại Indonesia, xăng dầu là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và giữ vai trò quan trọng đối với sản xuất của các ngành khác trong nền kinh tế, nên mặt hàng này sẽ được Chính phủ quy định bằng sắc lệnh của tổng thống.
Mức giá này sẽ được cân đối để tương đương với giá xăng dầu của các nước trong khu vực, sau đó tùy tình hình mà tăng hay giảm giá kết hợp với biện pháp trợ giá, trợ cấp cho người dân để bù đắp khó khăn.
Tại Malaysia, Chính phủ nước này chủ trương chỉ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước ở mức 30%, còn lại cho các hãng nước ngoài vào kinh doanh.
Trên thị trường Malaysia hiện có các hãng xăng dầu nước ngoài như Shell, Esso, BP, Mobil, Caltex chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, về mảng thăm dò tìm kiếm và khai thác dầu khí, chỉ doanh nghiệp quốc hữu Petronas của Malaysia được độc quyền.
Xoay quanh câu chuyện về quản lý xăng dầu, thông tin với báo chí ông Lê Thanh Mân – Tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho rằng, để giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu trước mắt, Nhà nước cần điều chỉnh lại giá cơ sở xăng dầu sát với biến động của giá thị trường thế giới.
Theo ông Mân, chỉ khi tăng từ 500 đồng/lít trở lên thì các cơ sở xăng dầu mới hoạt động ổn định được. Ngoài ra, để ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối và hệ thống phân phối thì cơ quan Nhà nước phải khống chế lại quyền của thương nhân, không được ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối.
Đồng quan điểm đã nêu, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, việc điều hành của liên Bộ Công Thương – Tài chính đang có vấn đề, thiếu minh bạch khi cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại thả nổi hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý…
Theo ông Việt, việc này sẽ tạo cơ hội cho độc quyền kinh doanh xăng dầu, các nhà bán lẻ xăng dầu riêng lẻ, doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu thiệt.
“Xăng dầu là mặt hàng có sự kiểm soát của Nhà nước, do đó cơ quan quản lý phải kiểm soát và dự báo được cả quá trình, kể cả mức chiết khấu giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt các chính sách, thể chế liên quan đến môi trường kinh doanh phải minh bạch, nhất quán”, ông Việt nhấn mạnh.