Bình Định Thành viên của tập đoàn Bamboo Capital “phá nhầm” hơn 5 ha rừng phòng hộ?

Sơn Hải/th

28/09/2021 11:11

Theo dõi trên

Dự án do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital làm chủ đầu tư đã "phá nhầm" 5,2 ha rừng phòng hộ ven biển hàng chục năm tuổi ở xã Mỹ An huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định khi thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3.

San ủi 5,2 ha đất rừng phòng hộ do... nhầm lẫn?

Theo phản ánh của người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định), tối ngày 6/8 nhiều người dân xã Mỹ An phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng phi lao bên ngoài khu vực cắm mốc dự án tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An) vào ban đêm.

Đến ngày 12/8, Đoàn kiểm tra của huyện Phù Mỹ đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công thì việc chặt phá rừng phi lao ven biển vào ban đêm mới dừng lại. Qua kiểm tra, đơn vị thi công Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ 3 đã ngang nhiên xâm chiếm, san ủi, chặt phá hàng nghìn cây keo, phi lao trên diện tích hơn 5,2 ha tại rừng phòng hộ ven biển các thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) bên ngoài khu vực cắm mốc dự án.

anh 1 bai Binh Dinh (2)

Những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi bị chặt phá (Nguồn: Báo Tiền phong)

Theo phản ánh, khu vực chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 lấn chiếm từng có hàng nghìn cây keo, phi lao trên 10 năm tuổi với đường kính hơn 30 cm hiện đã bị ủi trắng, mất cả gốc. Người dân cũng cho biết đây là những cánh rừng phi lao có chức năng che chắn, giữ đất cát để che chắn gió bão, ngăn bão cát, chống sa mạc hóa các khu dân cư ven biển và giữ mạch nước ngầm cho dân làng hàng chục năm nay.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Cơ quan chức năng địa phương và Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ - Bùi Long Thăng thừa nhận, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá là hơn 5,2ha khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.

Cung cấp thông tin sự việc với nhiều cơ quan chức năng và báo chí, lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 tại dự án Nhà máy 1 (xã Mỹ An), do nhầm lẫn trong xác định ranh giới, cột mốc dự án nên đơn vị thi công đã tác động đến phần đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê với diện tích khoảng 5,2ha, phần lớn là đất trống và rải rác một số cây phi lao, keo (!?).

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án. Chủ đầu tư dự án đã đình chỉ, buộc dừng công việc đối với nhà thầu thi công gói thầu có xảy ra vi phạm nói trên là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Phước Hưng và đang chờ xử lý của UBND tỉnh Bình Định.

anh 2 bai Binh Dinh (3)

Những cây phi lao bị cưa hạ chặt phá (Nguồn: Báo Tiền phong)

Ngoài ra, Lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, tạo điều kiện chấp thuận cho công ty được điều chỉnh lại ranh giới dự án bằng cách hoàn trả lại nguyên trạng gần 12ha đất cho nhà nước quản lý (đất đã được thuê - PV) và bổ sung 5,2ha đất (nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê) vào dự án. Tổng diện tích dự án sau khi điều chỉnh còn lại khoảng 316,74ha (giảm 6,8ha).

Người dân xã Mỹ An tỏ ra bức xúc trước việc chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ lấy lý do việc phá 5,26 ha rừng phòng hộ là do nhà thầu "nhầm lẫn". Bởi theo người dân việc phá rừng diễn ra chủ yếu vào ban đêm, máy móc ầm ầm kéo đến cưa đổ hàng loạt cây phi lao trong khu rừng phòng hộ ven biển. Sau khi cưa hạ, công nhân tổ chức dọn dẹp cả gốc rễ, cây, lá sạch sẽ tại hiện trường. Mỗi sáng, họ lại phát hiện khu rừng phòng hộ "lộ" thêm một khu đất trống và doanh nghiệp phá rừng kiểu lén lút nên không thể gọi là “nhầm lẫn”?

Trước sự việc, nhiều ý kiến dự luận cho rằng việc chủ đầu tư xin trả lại gần 12ha đất đã giao cho doanh nghiệp và “hoán đổi” phần đất 5,26 ha rừng phòng hộ vừa bị chặt phá là không có cơ sở theo quy định của pháp luật. Bởi mỗi vị trí đất giao đầu tư dự án đều đã dựa trên các tính toán quy hoạch cụ thể không thể muốn đổi là đổi. Đặc biệt đây là đất rừng phòng hộ nên vị trí quan trọng, cần xem xét đến điều kiện môi trường, tài nguyên, sinh thái... Không thể khắc phục lỗi của doanh nghiệp bằng cách chạy theo đề xuất của doanh nghiệp và không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Điều này, sẽ tạo tiền lệ xấu dẫn tới nhiều sai phạm nghiêm trọng về sau.

Phá rừng phòng hộ nhưng chỉ báo cáo lấn chiếm đất?

Việc chặt phá rừng bừa bãi là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm bởi hậu quả nghiêm trọng của nó mang lại như biến đổi khí hậu, thiếu nước, mưa bão, sạt lở đất, lũ quét,... Những hậu quả này ảnh hưởng lớn đến đời sống con người và các loài sinh vật xung quanh. Vì vậy, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm ngăn chặn hành vi chặt phá rừng cũng như thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, trồng cây xanh. Trong đó, chế tài về hình sự là một trong những chế tài nghiêm khắc được áp dụng để xử lý các hành vi chặt phá rừng vối số lượng lớn và gây ra các hậu qủa nghiêm trọng.

Dư luận cho rằng việc lấn đất, chặt phá rừng của đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật và hậu quả đã gây thiệt hại tới hơn 5,2 ha rừng phòng hộ. Vì vậy cần điều tra xác minh các thông tin, để có kết luận cụ thể về vấn đề này, Nếu có chứng cứ chứng minh rõ ràng các vấn đề thì thậm chí chủ dự án và các bên liên quan có thể có dấu hiệu đã phạm vào Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 và Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

anh 1 bai Binh Dinh (3)

Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 (Nguồn: Báo Tiền phong)

Mặc dù người dân xã Mỹ An bức xúc trước việc thi công dự án phá rừng phòng hộ trái phép, tuy nhiên lãnh đạo huyện Phù Mỹ không hề nhắc đến hành vi này khi báo cáo với UBND tỉnh Bình Định.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy ký báo cáo vụ việc gửi UBND tỉnh Bình Định. Trong báo cáo của chính quyền huyện Phù Mỹ, không hề thống kê, làm rõ số lượng, khối lượng cây do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý đã bị “đốn hạ” cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép. Báo cáo này chỉ nhắc đến hành vi sai phạm “lấn chiếm đất” của doanh nghiệp và đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long ra quyết định xử phạt hành chính.

Cụ thể báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ không đề cập đến hiện trạng khu rừng phòng hộ trước khi bị phá, mà chỉ nói rằng “do nắng hạn từ khi trồng đến nay nên có cây, có nơi chết cục bộ”. UBND huyện Phù Mỹ kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử phạt hành chính Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch từ 60 – 150 triệu đồng. Đồng thời, buộc doanh nghiệp phải trả lại 5,26 ha đất lấn chiếm rừng phòng hộ ven biển để giao lại địa phương quản lý và khắc phục hậu quả; Chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc nói trên. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện này rà soát lại các thủ tục, hồ sơ để có báo cáo cụ thể, chi tiết vụ việc.

BCG Phú Mỹ là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh có công suất thiết kế 330 MW. Dự án được khởi công vào giữa năm 2020 nhưng chỉ 6 tháng sau giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành. Hiện BCG Phú Mỹ đang triển khai thi công giai đoạn 2.

Trước đó, tháng 12/2020, Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng mới (NLS) đã phát hành lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỉ đồng, được bảo đảm bằng 85,9% vốn điều lệ của NLS. Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) – Chi nhánh Hà Nội. Hồi tháng 10/2020, NLS cũng đã thế chấp nhiều tài sản liên quan đến dự án BCG Phù Mỹ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh 12 TP.HCM. NLS là công ty thành viên trực thuộc Công ty cổ phần Năng lượng BCG (BCG Energy). Trong khi đó, BCG Energy lại là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Bamboo Capital.

Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) được thành lập vào năm 2011 và chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm 2015. Năm 2019, BCG hợp nhất các danh mục đầu tư, tập trung vào 4 mảng hoạt động chính gồm: Sản xuất & Nông nghiệp, Phát triển hạ tầng & Bất động sản, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.

Bạn đang đọc bài viết "Bình Định Thành viên của tập đoàn Bamboo Capital “phá nhầm” hơn 5 ha rừng phòng hộ?" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com