Ngày 25/9/2021, ông Nguyễn Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này ra văn bản đề nghị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) chủ trì, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và người đứng đầu liên quan đến vụ hàng loạt cây dầu rái cổ thụ trong rừng phòng hộ thuộc lâm phận xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ) bị phá.
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra mở đường, khai thác cây rừng phòng hộ trái phép tại tiểu khu 319, xã Phổ Phong.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ có trách nhiệm chủ trì, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Hạt, trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong vụ việc trên.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phổ Phong về việc để xảy ra việc mở đường, khai thác cây rừng phòng hộ trái phép tại tiểu khu 319, chưa kịp thời báo cáo Hạt trưởng để ngăn chặn và xử lý kịp thời vụ việc.
Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ phải báo cáo kết quả tổ chức kiểm điểm, biên bản họp đơn vị và biên bản kiểm điểm giải trình của tập thể, cá nhân có liên quan báo cáo về Chi cục Kiểm lâm tỉnh trước ngày 30/9/2021.
Liên quan tới vụ phá rừng phòng hộ tại xã Phổ Phong, ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 4961/UBND- NNTN yêu cầu UBND thị xã Đức Phổ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức điều tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm mở đường, khai thác trái phép cây rừng phòng hộ tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 xã Phổ Phong.
UBND xã Phổ Phong đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến toàn thể nhân dân trên địa bàn, vận động người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo phân cấp quy định của Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo bố trí nguồn nhân lực, tập trung triển khai các giải pháp về bảo vệ rừng đã giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nhưng các đối tượng này không có điều kiện hưởng lợi từ rừng và không thuộc diện được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; tuyệt đối không phó mặc cho chủ rừng nêu trên chịu trách nhiệm bảo vệ rừng sau khi giao; chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả và phục hồi rừng nếu để xảy ra phá rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn thuộc diện được hỗ trợ theo quy định, tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc bố trí theo quy định và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.