Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cứu doanh nghiệp, không thể để mất đơn hàng

Sáng ngày 25/4 tại TP HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu”.

Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì.

bt-1682484003.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cùng đồng lòng tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại hội nghị, các Hiệp hội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, giữ thị trường, đạt được các mục tiêu năm 2023.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Từ 2022- 2023, khi đại dịch Covid -19 chưa kết thúc, các quốc gia đã phải tập trung phục hồi kinh tế, chống lại sự đứt gãy. Thế giới đối mặt với chiến tranh cục bộ, nhiều quốc gia phải chấp nhận bỏ ra nhiều thứ để có thể ứng phó với tình hình chật vật trong bối cảnh mới, nỗ lực ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương để thúc đẩy kinh tế, sản xuất phát triển. Một số quốc gia cũng đã ban hành các hàng rào kỹ thuật như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế khí phát thải carbon…

Trên một bình diện đây có thể là các yêu cầu, quy định có vẻ nhân văn, hướng về tương lai, nhưng đó cũng là luật chơi mới và tạo ra những cuộc đua không hề cân xứng. Bởi các nước phát triển đã đi rất xa, phát triển hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta phải đi theo sau họ, họ bán được vốn, bán được hàng hóa, còn chúng ta khó khăn hơn khi phải bớt phần lẽ ra mình được hưởng nay chấp nhận bỏ ra để lấy được vốn nhà đầu tư FDI. Trong nước, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh chịu tổn thương nhiều nhất”.

Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng nhắc lại kết quả quý I theo báo cáo Chính phủ, mặc dù nỗ lực rất cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn thấp, nhiều địa phương đầu tàu mức tăng rất thấp, như TP HCM chỉ 0,7%. Nhiều địa phương thấp hơn kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

“Nếu chúng ta không tìm giải pháp để thay đổi tình hình, thì sẽ khó cho không chỉ năm nay mà còn cho cả kế hoạch 5 năm, và các năm tiếp theo. Chính phủ đã rất nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ, các chỉ đạo và ban hành các chính sách để tháo gỡ trong suốt thời gian qua”, Bộ trưởng cho biết và đặt yêu cầu các Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cùng đồng lòng tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Thành Công- kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU – những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

ong-tung-1682484003.jpg
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Vitas kiến nghị gói vay ưu đãi lãi suất 0% chi lương

Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như: Gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối với gói vay này, áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và có đợt này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn Covid-19 vừa rồi.

Ông Tùng cho biết, tình trạng mà báo chí phản ánh doanh nghiệp xuất khẩu đang rất thiếu đơn hàng là chính xác. Doanh nghiệp nhỏ có đến 40% không có đơn hàng. Doanh nghiệp lớn giảm 20%. Hầu hết nhận đơn hàng về thì chia sẻ với nhau. Khi doanh nghiệp lớn giảm đơn hàng thì doanh nghiệp nhỏ càng thiếu. Đây là ngành có khoảng 3 triệu lực lượng lao động nên áp lực rất lớn.

Về lâu dài, ông Tùng cho rằng, để phù hợp với chiến lược của ngành mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá, quản trị bền vững (ESG) như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất …, chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất. Theo ông, việc xin giấy phép làm nhà máy vải rất khó khăn, các địa phương không mặn mà.

Ngoài ra, Nhà nước cần giảm thuế TNDN 1-2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh (như trường hợp Bangladesh đang làm và họ đang vượt lên Việt Nam khi đi trước, có nhiều nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

Đồng quan điểm về việc kiến nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững, ông Diệp Thành Kiệt –  Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam – cho rằng việc đầu tư bền vững không thể nói miệng, Nhà nước cần có chính sách.

Ông Kiệt cũng cho biết tương tự như Dệt May, ngành  Da giày – Túi xách đang chịu ảnh hưởng nặng do lạm phát các nước nhập khẩu tăng cao, người tiêu dùng hạn chế tiêu dùng. Trong ngắn hạn ông cho rằng sẽ khó phục hồi nhưng cần có chính sách “nuôi” để đón phục hồi. Theo đó,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đề xuất giảm chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội ngành Điều Việt Nam – báo cáo về tình trạng điều nhân nhập khẩu từ châu Phi, gây mất cạnh tranh lành mạnh và có thể ảnh hưởng đến sự “tồn vong của cả ngành điều”. Ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp nhằm giúp ngành không sụp đổ.

ong-nh-t-1682484003.jpg
Ông Bạch Khánh Nhựt kêu cứu vì ngành điều bị cạnh tranh không lành mạnh

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam – kiến nghị về vấn đề hoàn thuế VAT. Đây là vấn đề chung của các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng được ông Nguyễn Hoài Nam – Phó TTK Chế biến xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam – nêu trong nhóm kiến nghị cần được hỗ trợ, gỡ vướng…

Ghi nhận 22 kiến nghị, ý kiến từ các Hiệp hội, hội doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Tất cả đều đang ngồi trên một con thuyền và chúng ta phải xác định phải cứu doanh nghiệp, không thể để mất đơn hàng vì mất đơn hàng là mất thị trường, doanh nghiệp không thể tồn tại. Trong thời buổi hiện nay, để mất đơn hàng, nhấc chân lên là không thể lấy lại được nữa. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang còn rất rộng lớn.

Dự báo thời gian tới, tình hình chính trị kinh tế thế giới sắp tới vẫn khó đoán định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, tổng cầu xuất khẩu giảm, đang khó sẽ còn khó hơn, do đó chúng ta không thể chủ quan, theo Bộ trưởng tới đây sẽ còn nhiều hơn các hàng rào kỹ thuật làm giảm động lực tăng trưởng và xuất khẩu của doanh nghiệp. Có thể có tình trạng mở cổng như đóng cửa…

Trong nước, tác động của trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đóng băng, tâm lý 1 bộ phận cán bộ trì trệ ngại trách nhiệm. Đã đến lúc hệ thống chính trị và cả xã hội cùng chia sẻ khó khăn.

Bộ trưởng cho rằng nếu vẫn tiếp tục trì trệ về công nghệ, chậm đổi mới phương thức sản xuất, khiến chúng ta vẫn khó khai thác các lợi thế Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs).  Doanh nghiệp và Hiệp hội cần tiếp tục nghiên cứu khai thác thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các FTA. Song song chú trọng khai thác thị trường truyền thống, quan tâm khai mở những thị trường khác theo quan điểm “Con đen đầu không được bỏ, con đỏ đầu vẫn phải nuôi”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, để tổn tại thì chính doanh nghiệp cũng phải tự thân truyền thông. Chẳng hạn như vấn đề về mở nhà máy sản xuất vải, tâm lý địa phương là sợ ngành thâm dụng lao động, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, vậy chúng ta phải truyền thông, chứng minh là sẽ ứng dụng công nghệ như thế nào để kiểm soát các vấn đề này và mang đến hiệu quả ra sao…