#kỷ nguyên mới

Bước tiến đặc biệt trong Luật Đất Đai 2024: Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường

Khi xây dựng và ban hành Luật Đất đai 2024, cơ quan lập pháp hướng tới nhiều mục tiêu trong đó nổi bật là việc việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường, khách quan, minh bạch. Đạo luật được các nhà làm Luật kì vọng những điều khoản quy định chi tiết sẽ làm thay đổi đáng kể về nguyên tắc xác định giá đất sẽ góp phần tăng ngân sách nhà nước từ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

1. Những bất cập của khung giá đất theo Luật Đất đai 2013

Điều 113 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: “Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.[1]

Điều 114 cũng quy định, bảng giá đất và giá đất cụ thể: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ”.[2]

Theo đó, bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp như: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân: Tính thuế sử dụng đất; Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Bảng giá đất do các tỉnh thành phố xây dựng về nguyên tắc phải nằm trong khung giá đất, dẫn tới giá địa phương phải theo giá của trung ương, chứ không thể xây dựng theo giá thị trường.

Thực tế sau 10 năm triển khai, áp dụng khung giá đất và bảng giá đất cho thấy rất nhiều bất cập đó là khung, bảng giá được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và rất ít điều chỉnh trong khi giá đất trên thị trường biến động hàng tháng, có khi biến động hàng ngày vào những thời điểm “sốt đất”.

Hậu quả là khung, bảng giá đất thường lạc hậu “thấp hơn” nhiều so với giá thị trường nhiều lần. Thông thường thì giá thị trường cao gấp 3 đến 5 lần, đặc biệt ở những trung tâm thành phố lớn có thời điểm cao gấp hàng chục lần so với bảng giá đất. Từ đó dẫn tới nhiều tác động xấu tới kinh tế - xã hội, tình trạng “hai giá đất” dẫn tới nhiều tranh chấp dân sự trong giao dịch chuyển nhượng đất; Khiếu kiện hành chính trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Mặt khác, Nhà nước thất thu thuế với số tiền lớn, khi công nhận, giao đất, cho thuê đất và phí liên quan tới các trường hợp theo Khoản 2, Điều 144 nêu trên.[3]

2. Luật đất đai 2024 mang đến những thay đổi trong xác định giá đất bằng việc áp dụng nguyên tắc định giá thị trường

Ngày 17/5 vừa qua, Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2024 theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, sớm hơn 6 tháng so với quy định trước đó là ngày 1/1/2025.

Luật Đất đai 2024 mang đến những thay đổi đáng kể về nguyên tắc xác định giá đất, tập trung vào việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường, sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và thanh khoản cho thị trường bất động sản. Theo Luật Đất đai trước đây, việc định giá đất được quy định theo nguyên tắc mục đích và thời hạn sử dụng đất, đồng thời “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” thu thập từ giá trúng đấu giá và thu thập từ việc sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai mới nhấn mạnh nguyên tắc thị trường. Điều này có nghĩa là giá đất được xác định sẽ phản ánh đúng giá trị thị trường của đất.

Những giá trị của nguyên tắc thị trường trong định giá đất được nhiều chuyên gia nhận diện và khẳng định. Bà Giang Đỗ, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam nhận định rằng giá trị thị trường đã phản ánh rõ sự hiểu biết của cả người mua và người bán trên thị trường. Khi đó, đất sẽ được giao cho nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao nhất.[4] Cách tiếp cận này giúp thúc đẩy giao đất và sử dụng đất hiệu quả hơn. Trong tương lai, khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất, các thông tin mua bán chuyển nhượng sẽ được công khai. Lúc này, người mua và người bán có thể truy cập để tìm hiểu thông tin giao dịch. Từ đó có nhận thức rõ ràng, giúp tăng cường tính minh bạch cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc mua bán chuyển nhượng bất động sản cũng sẽ diễn ra dễ dàng hơn, giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường. Quan điểm tương tự cũng được chia sẻ bởi TS Phạm Anh Tuấn, PGS.TS Bùi Thị An.[5]

456456-1717732164.png
Bà Giang Đỗ, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Savills Việt Nam

Theo Luật Đất đai 2013, bảng giá được dùng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất. Bảng giá này do UBND tỉnh xây dựng hàng năm, dựa theo khung Chính phủ ban hành 5 năm một lần. Quy định này tạo chênh lệch khá lớn giữa giá đền bù và thị trường, khiến thu thuế từ đất đai giảm. Luật Đất đai mới đã bỏ khung giá đất, nên việc định giá sẽ phản ánh đúng thị trường hơn. Tuy nhiên, Luật đất đai chưa quy định nêu rõ giá trị thị trường của đất là gì. Theo Hội đồng Tiêu chuẩn định giá quốc tế (IVSC), giá thị trường của đất là mức ước tính của tài sản tại thời điểm và địa điểm giao dịch, do các bên tham gia "thuận mua vừa bán" và không bị ép buộc”.

Bà Giang cũng cho rằng nguyên tắc định giá đất theo thị trường có thể khiến bất động sản tiếp tục tăng. Bởi, khi đó mức bồi thường giải phóng mặt bằng không còn thấp như trước đây - giai đoạn tính theo bảng giá đất, mà sát thị trường. Điều này sẽ kéo theo tổng chi phí đầu tư của dự án tăng lên. Để đảm bảo quyền lợi, chủ đầu tư sẽ phải tăng giá bán sản phẩm tại các dự án.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận giá địa ốc có thể tăng khi bỏ khung giá đất, nhưng tác động này không ảo như các cơn sốt trước đây. Giai đoạn 2020-2022, thị trường địa ốc chứng kiến nhiều đợt sốt giá bất thường, nhất là đất nền vùng ven. Nhiều khu vực huyện ven Hà Nội hay các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên... tăng cục bộ 40-50% so với trước dịch Covid-19. Đất tăng giá tại nhiều địa phương, kéo theo nhiều nhóm nhà đầu tư đổ xô đi đấu giá, đầu cơ. Nhìn chung, trong những đợt sốt bất động sản trước đây, nhiều nhà đầu tư thứ cấp dễ dàng đổ tiền vào nhà đất vì kỳ vọng mua thấp bán cao. Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, giá sản phẩm đã cao ngay từ đầu, khiến giới đầu cơ cẩn trọng trong xuống tiền do biên độ lợi nhuận khó đạt như kỳ vọng.[6]

3. Các phương pháp định giá cụ thể

Khác với luật trước đây thiếu các quy định rõ ràng, Điều 158 của Luật Đất đai 2024 còn quy định chi tiết về các phương pháp định giá và và các trường hợp và điều kiện áp dụng từng phương pháp. 

Luật Đất đai 2013 quy định năm phương pháp định giá: So sánh, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Luật Đất đai sửa đổi quy định bốn phương pháp, trong đó phương pháp chiết trừ được xem như là trường hợp đặc biệt của phương pháp so sánh. Chuyên gia Savills phân tích 2 phương pháp thường được sử dụng trong định giá dự án phát triển là phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thặng dư.

Phương pháp so sánh trực tiếp được thực hiện bằng cách so sánh giá giao dịch của các tài sản tương tự trên thị trường để xác định giá trị của tài sản cần định giá. Phương pháp này phù hợp với các tài sản như nhà phố hoặc căn hộ với nhiều dữ liệu giao dịch, tài sản so sánh tương đồng nhiều, giúp giảm thiểu tính chủ quan trong thực hiện điều chỉnh. Ngoài ra đây cũng là phương pháp đơn giản, dễ hiểu và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những điểm yếu nhất định. Dữ liệu hạn chế và độ chính xác của dữ liệu là điểm hạn chế quan trọng nhất. Ngoài ra, phương pháp yêu cầu thực hiện các bước điều chỉnh, mà ở đó có thể mang tính chủ quan của người thẩm định. Đặc biệt đối với tài sản cần định giá là dự án phát triển hỗn hợp thì việc tìm kiếm tài sản so sánh tương đồng là rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi, do sự khác biệt về cấu phần mỗi loại hình sử dụng đất.

Phương pháp thặng dư sẽ đánh giá tiềm năng phát triển của một dự án và được thực hiện bằng cách ước tính doanh thu và trừ chi phí để xác định giá trị đất thặng dư. Khi thực hiện định giá bằng phương pháp, thẩm định viên đồng thời cũng đánh giá tính khả thi và khả năng sinh lợi của dự án, hỗ trợ quá trình ra quyết định đầu tư. Phương pháp này cho phép các chủ đầu tư phân tích các kịch bản phát triển khác nhau để xác định kế hoạch sử dụng đất tối ưu, đem lại giá trị cao nhất hay được gọi là giá trị sử dụng cao nhất và tốt nhất. Mặc dù có nhiều lợi ích, phương pháp thặng dư đòi hỏi mô hình tài chính phức tạp và hiểu biết chuyên môn tài chính cũng như nắm rõ về dự báo thị trường giá bán và chi phí cũng như kế hoạch phát triển dự án. Điều này khiến phương pháp thặng dư cần nhiều thời gian do thu thập dữ liệu thị trường rộng rãi.

Một vấn đề quan trọng trong các mô hình định giá đất là sự phụ thuộc vào các giả định, khiến kết quả định giá bị tác động mạnh bởi các biến số như dự báo doanh thu, ước tính chi phí và thời gian dự án. Mỗi phương pháp định giá đều có ưu và nhược điểm, đòi hỏi cách tiếp cận cân bằng khi hòa giải giá trị.

4. Khái niệm giá đất và những thay đổi trong Luật Đất đai 2024,

Ba khái niệm giá đất được quy trong Luật Đất đai 2013 gồm: Khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể.

Khung giá đất: Thể hiện giá trị cao nhất và thấp nhất đối với từng loại đất theo từng vùng; được cập nhật năm năm một lần bởi Nhà nước. Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ xây dựng bảng giá đất.

Bảng giá đất: Thể hiện giá trị đất đối với từng loại đất theo khu vực; được cập nhật năm năm một lần, được xây dựng căn cứ trên khung giá đất. UBND cấp tỉnh là cơ quan xây dựng bảng giá đất, sau đó trình HĐND cung cấp thông qua. Nhìn chung, bảng giá đất được sử dụng để ước tính các nghĩa vụ liên quan đến đất trong hạn mức và đối với các cá nhân và hộ gia đình; ngoài ra còn một số trường hợp sử dụng khác.

Giá đất cụ thể: Thể hiện giá trị đất tại một địa điểm xác định. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định, và chúng được sử dụng để ước tính nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đối với diện tích trên hạn mức cho cá nhân hoặc hộ gia đình & tổ chức, ngoài ra để định giá trị quyền sử dụng đất của các công ty Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Luật Đất đai 2024 loại bỏ khung giá đất, giải quyết các mâu thuẫn giữa giá khung và giá thị trường thực tế. "Với quy định loại bỏ khung giá đất, và yêu cầu bảng giá đất được cập nhật hàng năm nhằm đảm bảo bảng giá đất phản ánh chính xác giá trị thị trường hiện tại của đất" bà Giang nói.

 Ngoài ra, luật cũng quy định xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất đối với khu vực nào có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất chi tiết. Bảng giá đất sẽ được sử dụng để ước tính các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất cho cá nhân và hộ gia đình và giá khởi điểm đấu giá. Một điểm khác nữa là bảng giá đất, với kỳ vọng đã phản ánh đúng giá trị thị trường của đất, sẽ được sử dụng làm căn cứ tính thuế thu nhập chuyển QSDĐ, khác với trước đây là sử dụng giá được kê khai trên hợp đồng chuyển nhượng.

5. Mở rộng quyền quyết định giá đất cụ thể là một trong những thay đổi lớn trong Luật Đất đai 2024 là mở rộng quyền quyết định giá đất cụ thể. Trước đây, UBND cấp tỉnh là có quan có thẩm quyển. Tuy nhiên, thẩm quyền này được phân bổ cho cấp tỉnh và cấp huyện, tùy từng trường hợp cụ thể đáp ứng điều kiện. Việc mở rộng này cho phép quyết định và phản ứng kịp thời hơn, loại bỏ thời gian kéo dài do phải chờ các cấp chính quyền cao hơn quyết định. Cấp huyện, được kỳ vọng sẽ nắm rõ điều kiện và nhu cầu địa phương, từ đó có đánh giá chính xác và kịp thời về giá đất.

Việc quy định giá đất cần phản ánh đúng giá trị thị trường sẽ có những tác động cụ thể sau: Tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và thanh khoản cho thị trường bất động sản;Trước hết là giá đất bồi thường trong giải phóng mặt bằng cho các dự án sẽ tăng cao. Điều này sẽ dẫn đến tổng chi phí đầu tư ban đầu của dự án phát triển tăng, rất có thể dẫn đến giá bất động sản dự án tăng để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đâu tư; Thuế thu nhập chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng do được tính dựa trên giá trị thị trường, giúp tăng thu ngân sách Nhà nước, từ đó cung cấp thêm nguồn vốn cho phát triển hạ tầng.

Luật Đất đai 2024 mang đến những thay đổi mang tính đột phá trong việc định giá đất tại Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả, minh bạch và một cách tiếp cận linh hoạt và phản ứng nhanh hơn đối với việc định giá đất. Bằng cách điều chỉnh giá theo thị trường và mở rộng quyền quyết định tại địa phương, luật mới nhằm nâng cao quy trình định giá đất, mang lại lợi ích cho cả thị trường và ngân sách Nhà nước.


[1] Xem Điều 113, Luật Đất đai 2013

[2] Xem Điều 114 Luật Đất đai 2013

[3] LS. Đỗ Đăng Khoa, Thời báo Tài chính Việt Nam, Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường - bước tiến vượt bậc trong Luật Đất đai (sửa đổi), https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xac-dinh-gia-dat-theo-nguyen-tac-thi-truong-buoc-tien-vuot-bac-trong-luat-dat-dai-sua-doi-144228.html

[4] The Leader, Bốn  thay đổi lớn trong định giá đất, theleader.vn 24/05/2024, https://theleader.vn/bon-thay-doi-lon-trong-dinh-gia-dat-1716518223470.htm

[5]ANTV, Bước tiến vượt bậc trong Luật Đất đai, antv.gov.vn 31/01/2024,  https://antv.gov.vn/other/bo-khung-gia-dat-xay-dung-bang-gia-dat-hang-nam-EBB5E194E.html

[6] Ngọc Diễm, Vnexpress, Giá bất động sản khó giảm khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, https://vnexpress.net/gia-bat-dong-san-kho-giam-khi-luat-dat-dai-2024-co-hieu-luc-4750699.html