Chỉ cần đọc kết quả xếp hạng là biết độ rủi ro
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho biết, sau đại dịch Covid-19, sức khỏe doanh nghiệp nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều. Do vậy, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho rằng, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là một trong những phương pháp giúp thị trường minh bạch thông tin, góp phần phát triển thị trường vốn, phục vụ cho đa mục đích, giúp doanh nghiệp tiếp cận đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn đầu tư, chủ động trong cân đối nguồn lực.
Tuy nhiên, theo ông Minh, thực trạng về việc Xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, tồn tại.
Đơn cử, phần lớn các tổ chức phát hành trên thị trường chưa thật sự hiểu rõ và quan tâm đến các lợi ích tổng thể của việc xếp hạng tín nhiệm, đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp nói chung cũng như việc chủ động thực hiện chiến lược đa dạng hoá trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư trên thị trường thông qua các kênh vốn từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu quốc tế và trong nước, hoạt động M& A, hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh,… Vì vậy, số lượng các tổ chức phát hành thực hiện xếp hạng còn rất hạn chế.
Thực tế trong thời gian vừa qua, chỉ mới có một số ngân hàng thương mại, tổ chức bảo hiểm và doanh nghiệp lớn đã được các tổ chức CRA quốc tế đánh giá Xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, khi các tổ chức CRA quốc tế đánh giá Xếp hạng hệ thống doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng giới hạn trực tiếp từ chất lượng tín nhiệm quốc gia Việt Nam hiện có (trần giới hạn tín nhiệm quốc gia là BB+).
“Vì vậy, phần lớn các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam đều chỉ đạt được mức Xếp hạng từ mức BB+ trở xuống, tức là thuộc danh mục nhóm đầu cơ. Rất hiếm khi có tổ chức phát hành nào đạt mức Xếp hạng cao hơn bậc Xếp hạng quốc gia”, ông Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các CRA nội địa, với quy trình và phương pháp đánh giá phù hợp sẽ sử dụng thang (bậc) so sách chất lượng Xếp hạng của hệ thống doanh nghiệp trong nước mà thôi, với các mức từ AAA, BBB cho đến bậc D.
Trong khi đó, theo Chủ tịch của Saigon Ratings, tài sản đảm bảo của các trái phiếu phát hành hành trên thị trường Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết đều là các tài sản của các dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp nên các tài sản này rất có thể sẽ có nhiều biến động trong các điều kiện thị trường tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Khi có tổ chức xếp hạng trong nước, nhà đầu tư chỉ cần đọc kết quả là biết độ rủi ro ở mức nào. Nhà đầu tư càng có nhiều thông tin, độ tin cậy càng cao, khuyến khích họ đầu tư, tạo cầu xã hội càng lớn.
TS. Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, kinh nghiệm về quản lý và đặc biệt là xếp hạng tín nhiệm là vấn đề quan trọng thứ hai sau cơ sở pháp lý tạo nên tính bền vững cho thị trường.
Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong cộng đồng không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền,… để quyết định đầu tư, họ đơn giản quan tâm chuyện doanh nghiệp đó được xếp hạng như thế nào.
Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn, dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu hơn là trình độ quản trị, các dự án trong quá khứ và trong tương lai, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ họ chỉ nhìn vào xếp hạng thôi.
Phải quy định bắt buộc Xếp hạng tín nhiệm
Để nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Minh đã đưa ra 5 giải pháp, một trong số đó là yêu cầu các tổ chức phát hành và trái phiếu cần phải được quy định bắt buộc Xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro đầu tư.
“Mục tiêu cuối cùng là thị trường phải minh bạch thông tin. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm là đơn vị góp phần làm được điều đó, kinh nghiệm cho thấy nhiều nước đã áp dụng xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp để minh bạch thị trường. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có hai báo cáo quan trọng là báo cáo kiểm toán và báo cáo xếp hạng tín nhiệm”, ông Minh cho hay.
Tiếp đến, thông tin giao dịch thị trường phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, tăng tính công khai minh bạch và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, từng bước tạo lập và hình thành tập quán văn hoá Xếp hạng tín nhiệm của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với các khuyến nghị của các tổ chức định chế tài chính quốc tế có uy tín như Ngân hàng thế giới (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB); đồng thời phù hợp với thông lệ quản lý và kinh nghiệm phát triển thị trường ở các quốc gia tiên tiến.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đối với các hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần phải được quản lý thành thị trường giao dịch có tổ chức.
Đồng thời, phải phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản cho việc giao dịch chuyển đổi trái phiếu.
Cuối cùng, Nhà nước khuyến khích và tiến tới có các chính sách quy định bắt buộc các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán, theo chuẩn mực của quốc tế (IFRS). Các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải cung cấp các bản cáo bạch hoặc là cam kết sử dụng các nguồn vốn huy động đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu và tuân thủ tuyệt đối việc công bố thông tin đầy đủ, rõ ràng và kịp thời theo quy định của pháp luật.