Cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Xoay quanh câu chuyện sửa các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, góp ý sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ…

Thống kê cho thấy, trong chuỗi xăng dầu trên cả nước hiện có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó, hệ thống của Petrolimex từ 2.500 - 2.700 cửa hàng, các doanh nghiệp khác có hơn 1.000 cửa hàng, còn lại trên 13.000 cửa hàng là sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn của thị trường thời gian qua.

sua-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-pld-1669016056.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, sửa các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Thông tin với báo chí, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) bày tỏ, hiện nay, cả nước có đến 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Thời gian qua liên bộ Công Thương - Tài chính đã gần như bỏ sót cả khâu phân phối bán lẻ nên doanh nghiệp ở khâu này luôn hoạt động bấp bênh và gần đây gặp rất nhiều khó khăn do thua lỗ kéo dài mà chưa được khắc phục, dẫn đến thị trường luôn bất ổn.

Cụ thể, các nhà bán lẻ xăng dầu có thời điểm không có chiết khấu hoặc chỉ được chiết khấu khoảng 30-40 đồng/lít mang tính tượng trưng mà không biết phản ánh với ai, báo cáo với ai về vấn đề này. Đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt cần giải quyết dứt điểm.

“Tôi cho rằng nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu. Trong đó, đối với cửa hàng bán lẻ nên quy định chiết khấu không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố để đảm bảo họ không phải đóng cửa vì thua lỗ. Bởi đây là nơi trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, ông Giang Chấn Tây đề xuất.

Vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thực tế không phải câu chuyện mới, trong giai đoạn thị trường “nóng bỏng”, đứt gãy nguồn cung cục bộ lan rộng trên một số địa bàn các tỉnh, thành phố, nguyên nhân cũng được chỉ rõ, do với mức chiết khấu 0 đồng, khiến các doanh nghiệp bán lẻ chịu nhiều thua lỗ phải đóng cửa hàng, dừng kinh doanh.

sua-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-31-1669016056.jpg
Bởi, xoay quanh câu chuyện chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu được cho là một trong các nguyên nhân dẫn đến những bất ổn của thị trường thời gian qua - Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Chia sẻ về thực trạng đã nêu trước đó, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, nếu xét về lý thuyết kinh tế, ai làm chủ chuỗi phân phối, người đó làm chủ thị trường thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hiện nay đang làm chủ chuỗi phân phối nhưng không làm chủ được thị trường. Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ đang chịu thiệt hại lớn nhất trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Theo bà Hường, trong thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang để chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở mức 0 đồng thì đấy chính là sự áp bức, không bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

“Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chúng tôi ở cuối chuỗi nhưng không có quyền đưa ra mức chiết khấu của mình, không có quyền đòi hỏi, chỉ trông chờ sự hào sảng của các doanh nghiệp đầu mối để họ chia sẻ. Chúng tôi chưa được quyền quyết định chi phí này”, bà Hường bày tỏ.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, góp ý sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần sửa theo hướng thị trường.

Thông tin với báo chí, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho hay, khi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực đã có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung tại nghị định này có vấn đề, nhất là những bất cập về quyền tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ, quy định một mức giá cứng nhắc và điều chỉnh thiếu linh hoạt, không tính đúng, đủ mọi chi phí phát sinh khiến cả hệ thống cung ứng đều bị động và dễ gánh chịu rủi ro thua lỗ, nhất là trong bối cảnh hiện nay giá dầu thế giới biến động liên tục.

Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm rằng việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện, theo hướng thị trường chứ không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý. Bởi việc một bộ, liên bộ hay giao về cho ai quản lý giá cũng không thể tính toán thay doanh nghiệp, thay thị trường được.

“Điều quan trọng nữa là Nhà nước nên tạo ra được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ tư duy mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu, đây sẽ là yếu tố then chốt để thị trường xăng dầu Việt Nam phát triển lành mạnh”, TS. Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.