Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Việt Nam có hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Bờ biển nước ta dài và khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vũng, vịnh ven bờ và có 114 cửa sông đổ ra biển. Đặc trưng cơ bản về sự phân hoá lãnh thổ nước ta như vậy đã tạo ra tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo cũng như góp phần củng cố và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển và từ phía biển.
Trong vùng biển nước ta đã phát hiện và khai thác các dạng tài nguyên biển khác nhau, cả tài nguyên sinh vật và phi sinh vật để phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 10 năm qua, kinh tế biển đã đóng góp khoảng 58-60% cho nền kinh tế quốc gia, trong đó khoảng 10% “thuần biển”. Đáng kể là nguồn lợi thủy sản nước mặn-lợ, dầu khí, sa khoáng ven biển và vật liệu xây dựng, du lịch biển và cảng-hàng hải, đô thị ven biển và đảo.
Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có triển vọng tìm thấy băng cháy, năng lượng biển tái tạo, đặc biệt năng lượng gió ngoài khơi và mặt trời, photphorit; cũng như các giá trị phi vật thể của các hệ sinh thái và không gian biển.
Bên cạnh những lợi thế so sánh về tài nguyên nói trên, quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển để phát triển kinh tế biển ở nước ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thường xuyên hơn, khốc liệt hơn. Có thể thấy, các hoạt động khai thác quá mức nguồn lợi hải sản, sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường, sự mất dần các rạn san hô ở các cụm đảo san hô ngoài khơi Biển Đông, nguy cơ xả thải rác thải nhựa và nhận chìm các loại vật, chất thải vào biển,…đã và đang xảy ra với mức độ đáng lo ngại. Điều này tác động tiêu cực không chỉ đến môi trường, sinh thái biển, mà còn trực tiếp đến phát triển kinh tế đất nước và đời sống cộng đồng người dân sống ở ven biển và trên các đảo.
Hiện nay, nồng độ các chất gây ô nhiễm biển, nhìn chung, có xu hướng ngày càng tăng, chủ yếu liên quan tới hoạt động phát triển ở vùng ven biển (các khu công nghiệp, du lịch,...), trên các lưu vực sông, hoạt động hàng hải, tàu thuyền đánh cá trên biển, cảng biển, bến cá và sự cố tràn dầu. Lượng chất thải đổ vào biển thông qua hoạt động nhận chìm hợp pháp và bất hợp pháp ngày càng nhiều; tăng về số vụ ở các vùng nước ven bờ và tăng qua các năm, đã và sẽ gây ra các tác động cộng hưởng.
Biến đổi khí hậu đang hiện hữu trên toàn cầu, ở Biển Đông và biển nước ta không không là ngoại lệ. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách hoàn toàn khác về mối tương quan phụ thuộc giữa con người với nhau. Cho dù bất cứ điều gì khác chia rẽ chúng ta thì các quốc gia, mội người dân vẫn đang cùng chịu chung các tác động từ biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương. Không quốc gia nào, không miền đất nào dù lớn hay nhỏ và không một ai có thể thờ ơ trước vấn nạn này. Hậu quả là “sức khỏe” của biển/đại dương cũng đang bị 6 “bệnh” chính đe dọa: axit hóa đại dương, đại dương ấm lên, đại dương thiếu ôxy, nước biển dâng, ô nhiễm biển/đại dương và sử dụng quá mức tài nguyên biển.
Mực nước trung bình toàn Biển Đông theo số liệu vệ tinh biến đổi với tốc độ khoảng 4,05 ± 0,6mm/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn (3,25 ± 0,08 mm/năm). Mực nước ở vùng biển ngoài khơi miền Trung (từ bờ biển Việt Nam sang Philippine có xu thế tăng cao nhất (5,0-5,5mm/năm). Khu vực biển ven bờ Trung Bộ Việt Nam tăng mạnh nhất với tốc độ tăng khoảng trên 4mm/năm, trong đó lớn nhất tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ với tốc độ tăng đến trên 5,6mm/năm; khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,5mm/năm.
Để cải thiện môi trường biển, phục hồi các hệ thống tài nguyên biển - ven biển đã bị suy thoái và duy trì nguồn vốn tự nhiên biển làm cơ sở cho phát triển kinh tế biển xanh (Blue economy) và bền vững, cần phải áp dụng các giải pháp xanh, lấy tài nguyên và môi trường biển-ven biển làm “chất xúc tác”. Tuyên bố Thập niên Bảo vệ môi trường biển và ven biển trong Biển Đông (2017-2027) đã được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 tại Philipin năm 2017. Theo đó, Chính phủ các nước ASEAN và Trung Quốc có thể xem xét thông qua Kế hoạch hành động chiến lược để bảo vệ môi trường biển như là công cụ đầu tiên đối với hợp tác về quản lý môi trường biển, bao gồm các hành động cần thiết để giải quyết suy thoái môi trường biển và kiểm soát ô nhiễm nguồn đất liền.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng nhìn nhận, ở nước ta, tư tưởng xuyên suốt là gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Đến Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 4 (khoá X) năm 2007, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết 09/2007/NQ-TW về ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược biển 2020). Trong đó, xác định mục tiêu “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế biển đất nước, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách thể chế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo sự bền vững về môi trường và sinh thái, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương chính sách liên quan đến phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 6 về lưu vực sông và 14 về biển. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu chính là: giảm phát thải khí nhà kính thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thể hiện quyết tâm của Việt Nam đóng góp chung vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.