Cần siết chặt quản lý giết mổ động vật tại các địa phương

Thực trạng quản lý giết mổ động vật bị buông lỏng ở nhiều địa phương, dẫn đến chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng giảm, tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

tien-17193827011211613398464-1719388672.jpg

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương siết chặt kiểm soát giết mổ động vật để đảm bảo ATTP - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ. Đặc biệt có 7 tỉnh, là: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung, cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ và không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta chiếm 47%. Nước ta có đường biên giới dài, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt gần đây là bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Do đó, công tác giết mổ động vật rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP)

Hôm nay (26/6), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật; góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; Chương trình giám sát quốc gia về ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay tình hình giết mổ động vật và ATTP đi xuống, có hơn 400 cơ sở giết mổ tập trung, nhưng lại có tới hơn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. "Ngay cả TP.HCM thời gian trước làm rất tốt công tác quản lý giết mổ, nhưng hiện nay quản trị giết mổ không được chặt chẽ như ngày trước, giết mổ tại chợ, tại nhà vẫn xảy ra", Thứ trưởng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay cả nước có 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó có 6.756 cơ sở (27%) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 4.328 cơ sở (64,1%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ.

Hiện trên cả nước, ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy phép chứng nhận kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động là 18.102 cơ sở (73%).

"Sau hội nghị, chúng tôi sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT có văn bản trình Thủ tướng, kiểm điểm trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. 73% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là vô chủ, không có ai kiểm soát, số liệu không biết", Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.

Ông Long nêu thực tế, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, ATTP đã phát hiện 45 vụ vi phạm, phạt 445.425.000 đồng.

"Cả nước có gần 25.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 440 cơ sở giết mổ tập trung mà hơn một năm trời, mới phát hiện và xử lý 45 vụ. Đây chắc chắn là không làm, chứ không phải là không làm đến nơi đến chốn. Các chỉ đạo trong xử lý vi phạm cũng rất hời hợt, 45 vụ này đưa ra không thể nào phản ánh đúng thực tế. Chúng ta chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ra các cơ sở giết mổ gần nhà mình sẽ thấy rất rõ thực trạng này", ông Long cho biết.

Điển hình như trong năm 2023, Cục Thú y cho biết, đã lấy 60 mẫu lau thân thịt lợn để kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella và Enterobacteriaceae. Kết quả cho thấy, có 12 mẫu kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella (20%) và 13 mẫu nhiễm Enterobacteriaceae (21,67%).

Đồng thời, trong 40 mẫu da cổ gà được lấy để phân tích nhiễm khuẩn Salmonella có 1 mẫu nhiễm khuẩn (2,5%). Đối với 20 mẫu nước sử dụng được lấy để kiểm tra nhiễm khuẩn E.coli có 1 mẫu nhiễm khuẩn (5%).

Tại hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị đại diện các tỉnh thành, các Chi cục Thú y và Chăn nuôi báo cáo thực trạng về tình hình quản lý giết mổ động vật tại địa phương để Bộ NN&PTNT có cơ sở đánh giá đầy đủ và tham mưu cách xử lý với Thủ tướng Chính phủ.