Cần xem xét Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhiều khuất tất và sai phạm trăm tỷ? (Kỳ 1)

Nguyễn Xuân

13/01/2022 20:58

Theo dõi trên

Khi chúng tôi điều tra để viết bài này thì Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đang bị Cục Thuế và Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh xem xét về một số vấn đề có dấu hiệu trốn thuế và không trung thực trong khai báo Hải quan. Còn bây giờ, khi trở lại bài này thì Nguyễn Vũ Bảo Hoàng-Tổng Giám đốc Thuduc House kiêm Giám đốc Công ty TNHH Quản lý & Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Thuduc Agromarket Co.Ltd), đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chi...

 Bài I: Từ vi phạm các quy định về thu phí và các loại lệ phí.

Hành vi về các sai phạm ở loạt bài viết này chưa thuộc tội danh mà Bộ Công an vừa khởi tố. Nhưng ông Tổng giám đốc Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nhất định liên quan đến chức danh Giám đốc Thuduc Agromarket Co.Ltd, bởi trong bối cảnh Thuduc House nợ thuế Nhà nước cả ngàn tỷ đồng, đến mức ông Tổng giám đốc phải liều mình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong lúc Thuduc Agromarket Co.Ltd đang hàng ngày hái ra tiền thì việc không khai thác nguồn tiền chỗ này để khỏa lấp chỗ kia mới là chuyện lạ.

Bởi vậy, chúng tôi phải chỉ ra thêm những dấu hiệu sai phạm ở Thuduc Agromarket Co.Ltd để cung cấp thêm thông tin mới, để cơ quan điều tra có căn cứ mở rộng thêm vụ án.

a1

Bãi đậu xe container, nhưng đã biến thành hàng chục ô vựa cho thuê từ năm 2012.

Chợ đầu mối dân sinh Thủ Đức được khởi công xây dựng vào năm 2002 với tổng kinh phí ban đầu bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay 182,4 tỷ đồng, thuộc loại lớn nhất TP.Hồ Chí Minh. Chợ được giao quyền sử dụng đất quy mô 203.676 m2 gồm 1.352 lô sạp, khu điều hành, khu xử lý kỹ thuật, khu hành chánh trung tâm, khu nhà nghỉ, khu nhà kho, kios, bãi tập đỗ xe, kết hàng hoá, bưu điện, ngân hàng, trạm xăng…

Mặc dù năm 2018 Thuduc Agromarket Co.Ltd được chuyển đổi thành Công ty cổ phần, nhưng nó vẫn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và chịu sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Chợ có chức năng nhiệm vụ: Cho thuê mặt bằng kinh doanh; vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; sơ chế đóng gói hàng hóa; dịch vụ ủy thác xuất, nhập khẩu; dịch vụ thương mại quảng cáo; đại lý ký gửi hàng hóa, kinh doanh nhà hàng, nhà trọ; dịch vụ trông giữ xe... Sau 20 năm đi vào hoạt động, bên cạnh những thành tựu đạt được như Thuduc Agromarket Co.Ltd đã quảng bá thì vẫn còn nhiều thiếu sót, thậm chí có dấu hiệu sai phạm. Theo phản ánh của các tiểu thương, chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra, nay xin có đôi điều phản ánh.

Đối chiếu với quy định của pháp luật và những gì đã và đang diễn ra ở Thuduc Agromarket Co.Ltd, chúng tôi thấy có quá nhiều bất cập. Ngay từ khi chợ đang thuộc quyền quản lý của UBND quận Thủ Đức, được giao Ban quản lý chợ trực tiếp quản lý, điều hành, khai thác thì Thuduc Agromarket Co.Ltd đã có những dấu hiệu vi phạm. Đó là sử dụng mặt bằng trong chợ không tuân thủ quy hoạch đồ án tỷ lệ 1/2000 và 1/500 đã được UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt.

a2

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức họp về đêm, đã 6 giờ sáng nhưng vẫn còn mua bán đông đúc

Theo đó, ngoài 1.352 lô sạp trong chợ được ký hợp đồng cho thuê 50 năm thì phần đất xung quanh chợ đã không được sử dụng đúng mục đích theo đồ án. Cụ thể: Từ bãi dùng đậu xe container và xe tải các loại; khoảng đất trống dùng để tập kết hàng xung quanh các chợ A, B, C; các tuyến đường xung quanh chợ; đất dành cho cây xanh… Ban Quản lý chợ đã chia sảnh, phân ô, điểm bán hàng cố định cho thuê. Theo số liệu chúng tôi thống kê được hiện có 54 sảnh (ô), mỗi sảnh có diện tích 66 m2 được dựng che bằng nhà tiền chế; 690 ô (điểm kinh doanh) diện tích từ 3 đến 6 m2 và hàng ngàn điểm bán hàng ngoài trời lưu động.

Vi phạm quy hoạch về sử dụng đất là điều khá rõ ràng, vì một diện tích đất đã được sử dụng thành nhiều công năng, vừa là bãi đỗ xe, bến tập kết hàng hóa, vừa cho thuê kinh doanh, tạo nên sự chồng chéo, gây khó khăn, khó chịu thuê mặt bằng và thiệt hại cho cho các tiểu thương có lô sạp trong chợ. Tuy nhiên, đó là bề nổi, còn tiềm ẩn bên trong lại là những vi phạm ở các khoản thu phí và lệ phí.

Theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí thì việc quy định giá thuê mặt bằng kinh doanh, các loại phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND là cơ quan Nhà nước đồng cấp thực hiện. Thế nhưng, ở Thuduc Agromarket Co.Ltd lại hoàn toàn do Ban quản lý chợ Thủ Đức quyết định. Thí dụ: Giá thuê đất kinh doanh ở các chợ của HĐND TP.Hồ Chí Minh quy định là 200.000 đồng/m2/tháng. Năm đầu các hộ ký Hợp đồng thuê mặt bằng ở bãi đỗ xe nói trên với Ban quản lý chợ giá 13 triệu đồng sảnh (ô) tương đương 200.000 đồng/m2/tháng, đúng giá quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ- UBND ngày 12/02/2007 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Nhưng giá này đã được Ban quản lý chợ tăng hàng năm và đến năm 2021 thì số tiền đó là 27,5 triệu đồng/tháng, hơn gấp đôi giá quy định. Nếu tính theo giá năm 2020 mỗi sảnh 25 triệu đồng/tháng thì mỗi năm Thuduc Agromarket Co.Ltd sẽ thu được số tiền: 54 sảnh x 25 triệu x 12 tháng = 15 tỷ đồng. Ngoài ra Ban quản lý chợ còn khai thác bãi trống, sử dụng chung dùng để tập kết hàng phía trước chợ A, B, C phân thành 30 kiosque cho thuê giá 12,5 triệu đồng/kiosque/tháng, số tiền thu được mỗi năm tương ứng: 12,5 đồng x 30 kiosque x 12 tháng= 4,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể 247 điểm xung quanh chợ A và 416 điểm trước mặt chợ B = 663 điểm có diện tích từ 3 đến 6 m2/điểm, được cho thuê kinh doanh với giá từ 2,3 đến 3 triệu đồng/tháng, tùy theo diện tích và vị trí. Số tiền thu được ở các điểm này mỗi năm sơ tính sẽ có con số khoảng trên 4 tỷ đồng. Các khoản thu này có dấu hiệu không chịu thuế vì nó là bãi đậu xe, nay được sử dụng ngoài công năng thiết kế và phiếu thu các khoản tiền này đều do Ban quản lý chợ phát hành mà không phải hóa đơn thuế.

Giá dịch vụ xe ô tô các loại ra vào chợ, được HĐND TP.Hồ Chí Minh quy định: 30.000 đồng/ngày đêm cho xe vận tải có trọng tải trên 15 tấn; 25.000 đồng/ngày đêm cho xe vận tải các loại từ 10 đến 15 tấn; 10.000 đến 15.000 đồng ngày đêm cho xe vận tải dưới 10 tấn. Thế nhưng, từ ngày 01/7/2017 đến nay Ban quản lý chợ đã thu từ 200.000 đến 500.000 đồng mỗi xe ngày đêm tùy trọng tải. Đó là chưa kể mỗi xe khi vào cổng chợ phải nộp 50.000 đồng. Các hóa đơn này cũng do chợ phát hành.

Pháp luật xây dựng quy định rất rõ: Quy hoạch xây dựng phải căn cứ vào đồ án quy hoạch. Các hạng mục công trình được thiết kế theo đồ án phải được sử dụng đúng mục đích. Vi phạm sử dụng đất sẽ bị xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả. Việc biến bãi đậu xe container, bãi tập kết hàng hóa, đường giao thông, đất cây xanh… thành ô, sảnh, điểm bán hàng cho thuê là dấu hiệu của việc sử dụng đất sai mục đích, tạo nên sự chồng lấn về công năng, gây khó khăn, thiệt thòi cho các tiểu thương đã thuê lô sạp dài hạn hợp pháp trong chợ và khó khăn trong việc tính thuế.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hàng ngày có khoảng 3.000 xe các loại ra vào. Việc thu phí các loại chúng tôi thấy cũng hết sức bát nháo. Tạm tính chênh lệnh trung bình mỗi xe ngày đêm là 100.000 đồng, kết quả sẽ là mỗi ngày đêm Ban quản lý chợ Thủ Đức thu vượt 300 triệu so với quy định; mỗi tháng sẽ có 9 tỷ và mỗi năm là 108 tỷ. Phí bốc xếp hàng hoá cũng được thực hiện theo kiểu “trận đồ bát quái”. Lượng hàng hóa nhập về chợ Thủ Đức là rất lớn. Trung bình mỗi ngày từ 2.500 đến 3.500 tấn; ngày lễ tết có khi lên đến 7.000 tấn. Công tác bốc xếp hàng hóa được Ban quản lý chợ Hợp đồng với Công ty dịch vụ bốc xếp Thanh Long. Theo đó, giá bốc xếp được đặt ra và thu một cách tùy tiện. Thùng xốp loại dưới 10 kg giá năm 2020 là 1.600 đồng, 2021 giá là 1.700 đồng. Xoài nhập ngoại, thùng rổ từ 13 đến 17 kg giá năm 2020 là 2.666 đồng; năm 2021 lên 2.830 đồng. Vải, mận, mơ Hà Nội, thùng rổ 30 đến 40 kg giá năm 2020 là 5.500 đồng; giá năm 2021 lên 5.860 đồng. Như vậy, cứ mỗi kg hàng hóa trái cây được đưa về chợ, khi xuống hàng có giá bốc xếp bình quân từ 120 đến 150 đồng/kg. Làm một phép tính đơn giản 30.000 kg (30 tấn) x 130 đồng (bình quân) = 39 triệu/đồng ngày x 30 ngày (tháng) = 1.170 triệu x 12 tháng = hơn 14.040 triệu đồng/năm.

Giá các loại phí và lệ phí cũng vậy. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi thấy Thuduc Agromarket Co.Ltd ngoài việc bất chấp các quy định của pháp luật về giá, họ còn có dấu hiệu khai báo gian dối để được Nhà nước tôn vinh, khen thưởng; thậm chí còn có dấu hiệu mua chuộc một số báo chí.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần xem xét Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhiều khuất tất và sai phạm trăm tỷ? (Kỳ 1)" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com