Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có mặt tại tỉnh Thái Bình để kiểm tra thực địa hướng tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng và làm việc với các tỉnh, thành phố về công tác chuẩn bị triển khai, đề xuất hướng tuyến cao tốc này.
Cùng dự có lãnh đạo các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua là: Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, 4 tỉnh, thành phố đã làm việc với tư vấn để nghiên cứu về hướng tuyến, bảo đảm tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng: Hướng tuyến ngắn nhất, tránh tối đa việc đi qua khu đô thị, khu đông dân cư để giảm chi phí mặt bằng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là hành lang kết nối từ các địa phương với sân bay, cảng biển, tạo ra động lực mới để phát triển khu vực phía nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Nêu rõ phải đặt ra các mốc tiến độ cụ thể, khả thi và quyết tâm thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng ngay trong năm 2022.
Đoạn tuyến Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017 - 2021.
Dự án có điểm đầu là nút giao với Đường cao tốc Bắc – Nam (Việt Nam) tại xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến tuyến cao tốc dài 109 km, trong đó có 18 km đi qua Ninh Bình, 32,7 km qua Thái Bình, 28,7 km qua Nam Định và còn lại qua Hải Phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 8.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác là 1.500 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư là 3.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-2021, hoàn vốn trong khoảng 25 năm.