Chặn biến tướng bán bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc”: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

03/03/2024 18:47

Theo dõi trên

Cùng với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng biến tướng ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm, cần tăng cường kiểm tra, giám sát…

Theo đó, sau hàng loạt các lùm xùm liên quan, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều quy định mới được cho sẽ là giải pháp giúp ngăn chặn tình trạng ép khách mua bảo hiểm. Cụ thể, Điều 15 của Luật (sửa đổi) nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

luat-cac-to-chuc-tin-dung-pld-1709466262.jpg
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng trong việc ngăn chặn tình trạn bán bảo hiểm theo kiểu “bia kèm lạc” – Ảnh minh họa: ITN

Quy định này được kỳ vọng sẽ là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn sai lệch hay tình trạng gợi ý “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng đã nêu, vẫn còn đó không ít lo ngại khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn cho phép ngân hàng thương mại trong nước được hoạt động đại lý bảo hiểm, nếu phù hợp với quy định của ngân hàng Nhà nước về hoạt động đại lý bảo hiểm…

Vì vậy, để tránh tái diễn hiện trạng ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm và những biến tướng có thể xảy ra, các chuyên gia cho rằng, cùng với những quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời cần có chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm lĩnh vực bảo hiểm thông qua ngân hàng.

can-tang-cuong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-pld-1709466262.jpg
Tuy nhiên, theo chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát – Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HP Life Insurance, giải pháp tốt nhất đó là cấm các ngân hàng bán bảo hiểm. Ngân hàng thì chỉ nên làm tốt nghiệp vụ của ngân hàng, còn việc bán bảo hiểm thì hãy để các đơn vị bảo hiểm đảm nhận theo đúng chuyên môn của họ đã đăng ký. Trong trường hợp không thể cấm các ngân hàng bán bảo hiểm, các cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc này.

“Nên có những chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi cố ý “ép” khách hàng mua bảo hiểm của nhân viên ngân hàng. Có quy định về việc ghi âm trong quá trình tư vấn bảo hiểm. Khuyến khích người dân tự ghi âm trong quá trình làm việc. Trong hợp đồng bảo hiểm cần có những bảng câu hỏi và trả lời thể hiện khách hàng đang được tự nguyện tham gia bảo hiểm theo đúng nhu cầu. Phải có quy định về thời gian thực hiện khoản vay là trước khi tham gia bảo hiểm”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HP Life Insurance bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao chất lượng thẩm định đối với các hợp đồng bảo hiểm từ ngân hàng bán ra.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng khuyến nghị, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó, cần quy định rõ ràng, chi tiết về việc cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức, để ngăn chặn triệt để tình trạng người dân bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn… có thể ban hành các quy định chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán bảo hiểm thông qua ngân hàng.

Cùng với các đề xuất, khuyến nghị đã nêu, để tránh việc ngân hàng lợi dụng vị thế của mình “ép” khách hàng mua bảo hiểm có thể biến tướng bằng các hình thức khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, về lâu dài, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, khung pháp lý để thị trường bảo hiểm phát triển đầy đủ, toàn diện, lành mạnh.

Được biết, cùng với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này. Trong đó, ngoài các điều kiện đã có, đại lý, tổ chức bán bảo hiểm qua ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung mới. Trong đó có quy định cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan việc tư vấn của nhân viên tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có). Ngoài ra, doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng phải ghi âm quá trình tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, Thông tư này được cho là chưa đủ nghiêm và chưa thể giải quyết triệt để tận gốc vấn đề. Nhân viên ngân hàng vẫn có thể có cách “lách luật” để bán kèm bảo hiểm cho khách.

Bạn đang đọc bài viết "Chặn biến tướng bán bảo hiểm kiểu “bia kèm lạc”: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com