Có nên tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội ?
Liên quan đến việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết vẫn có ý kiến khác nhau. Quá trình chỉnh lý, các cơ quan thống nhất phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp vẫn có 2 loại ý kiến với vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng; đồng thời đề nghị giao Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án.
Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự, loại trừ những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên (nếu không tách riêng vụ án để giải quyết) như ý kiến của đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý đã nêu ở trên.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá, đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.
Làm rõ thêm các phương án này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh "không tách không được". Bởi nếu để chung vào một vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành), luật này không có nghĩa, khó đảm bảo chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.
Ông dẫn chứng, để giải quyết vụ án với người chưa thành niên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên. Nếu để trong vụ án chung không thể phân công đầy đủ thành viên HĐXX hay VKS tham gia, hoặc tham gia nhưng không hiểu tâm lý các cháu, theo ông Bình.
Bên cạnh đó, ông Bình lo ngại với án phải công khai, phần liên quan người chưa thành niên không được giữ kín. "Điều này sẽ gây mặc cảm, con đường hoàn lương rất dài, luôn ám ảnh về tuổi thơ phạm tội", ông Bình nói.
Hay về thời hạn vụ án, luật hiện hành và cũng như dự thảo luật này phân ra 2 độ tuổi: 14 đến dưới 16, và từ 16 đến 18 tuổi với chính sách khác nhau.
Nếu không tách án, thời hạn điều tra với vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người có thể kéo dài tới 30 tháng từ điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, không thể áp dụng được chính sách giải quyết ngay với các chính sách ở độ tuổi của người chưa thành niên.
2 mô hình trại giam với người chưa thành niên phạm tội
Giải trình thêm về vấn đề trại giam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay ban đầu tòa án tối cao đề xuất trại giam riêng, nhưng sau đó Bộ Công an cho biết cơ sở, điều kiện hiện nay thì việc có trại giam riêng ngay sẽ chưa có.
Nếu riêng phải đầu tư, do đó dự luật quy định cả 2 mô hình trại giam riêng hoặc phân trại riêng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu thêm người chưa thành niên có điều kiện rất quan trọng trong môi trường giáo dục, kể cả trại giam là ảnh hưởng của gia đình, sự thăm nom, chăm sóc của bố mẹ, anh chị em...
Những người đến thăm không chỉ mang đến tiếp tế mà mang cả tình cảm, những lời khuyên. Đó là điều rất cần cho quá trình cải tạo.
"Nếu như từ Cà Mau mà ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng để thăm thì rất khó khăn cho người dân. Việc này cũng hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam.
Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án, thì việc có trại giam riêng rất tốt, nhưng đối với những nơi không có thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam", ông Bình nêu rõ.