Chiến lược đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu khu vực về công nghệ vũ trụ

Ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Theo Quyết định số 169/QĐ-TTg, về Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Chiến lược được đưa ra với mục tiêu ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học và công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia. Đưa Việt Nam làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị trọng yếu trong công nghệ vũ trụ. Bao gồm cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất, vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát đáp cho vệ tinh viễn thông.
vien vu tru

Đồng thời, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ đủ mạnh để dần hình thành các năng lực riêng biệt, chủ động ứng dụng công nghệ vào ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ quản lý nhà nước và phục vụ đời sống người dân. Trong đó, đào tạo đội ngũ 300 chuyên gia, 3.000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Đầu tư nâng cấp 10 phòng thí nghiệm, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.

Đặc biệt đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đạt trình độ thuộc nhóm dẫn đầu khu vực. Dựa trên việc phát triển thị trường trong nước và hợp tác quốc tế, chiến lược bao gồm 6 nhiệm vụ, đề án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2030.

Một là tăng cường năng lực nghiên cứu quốc gia về khoa học và công nghệ vũ trụ, ưu tiên định hướng ứng dụng gắn với sự sống của con người trên lãnh thổ Việt Nam, gắn liền với hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo.

Hai là tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa kết hợp với thiết bị bay không người lái.

Ba là phát triển năng lực quan sát Trái đất phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bốn là phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có. Năm là thay thế 2 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2. Sáu là nâng cao năng lực, tổ chức khai thác hiệu quả các nguồn dữ liệu quan sát Trái đất.

Phát triển nguồn nhân lực cho Chiến lược, thành lập mới, nâng cấp tối thiểu 5 cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu làm chủ, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ gắn với định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Về tổ chức thực hiện, trước hết, kiện toàn Uỷ ban Vũ trụ Việt Nam nhằm mục đích giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành trong việc thực hiện chiến lược.

Về nguồn lực thực hiện chiến lược bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển chính thức, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.