TTCK đã trải qua 5 phiên trong tháng 5 nhưng có 3 phiên tăng điểm. Như vậy, chưa hề có dấu hiệu nào của “Sell in May and Go away”, thay vào đó TTCK vẫn thể hiện được tính tích cực nhất định.
Trên thực tế, tình hình thế giới đang có thêm nhiều tín hiệu không mấy tích cực đến từ những nền kinh tế hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc,… Rất nhiều vấn đề đang xảy ra tại Mỹ như sự phá sản liên tiếp của nhiều ngân hàng và sự chững lại của tín dụng hay sự sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng chứng kiến những tín hiệu không khả quan, như xuất nhập khẩu sụt giảm, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 4 giảm mạnh xuống 49,2 điểm…
Tại Việt Nam, thống kê của Fiin Group với hơn 1.000 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1/2023 cho thấy lợi nhuận đã giảm hơn 26%. Đây là một mức giảm rất lớn, trong đó nhóm sản xuất và phi tài chính dẫn đầu. Điều khá thú vị là nhóm bất động sản lại là nhóm tăng trưởng lợi nhuận, một điều trái ngược với thực tế bởi KQKD đột biến của VHM (gần 12.000 tỷ đồng), VRE (1.000 tỷ đồng)…
Trong khi đó, TTCK dường như không quan tâm quá nhiều đến tất cả những vấn đề trên. Thậm chí, cổ phiếu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh doanh thu, giảm sản xuất và thua lỗ cũng vẫn được nhà đầu tư (NĐT) mua vào. Tất cả yếu tố này dường như cho thấy tâm lý NĐT đang ngày một “vững vàng” hơn và họ đều tin rằng sự khó khăn đang ở giai đoạn cuối khi lãi suất đang giảm.
Chính vì thế, bất cứ một thông tin nào xuất hiện cũng sẽ giúp giá nhóm cổ phiếu nào đó hưởng lợi tăng giá giống như nhóm cổ phiếu mía đường, nhóm cổ phiếu điện do hiện tượng nắng nóng. Do đó, NĐT vẫn rất miệt mài đi săn cổ phiếu trong bối cảnh khó khăn.