Làn sóng thoái vốn chưa dứt
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, Thành viên HĐQT Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM), đăng ký bán toàn bộ 8,16 triệu cổ phiếu (2,92% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, bà Tuyết chỉ bán được 2,86 triệu cổ phiếu (chiếm khoảng 1/3 lượng đăng ký) từ ngày 26/2 đến 22/3, do giá không đạt kỳ vọng.
Ngay sau đó, cổ đông này tiếp tục đăng ký bán 5,3 triệu cổ phiếu POM (1,9% vốn) còn lại với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/3 đến 26/4, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.
Tạm tính theo giá giao dịch ngày 26/3 là 5.290 đồng/cp, ước tính bà Tuyết có thể thu về khoảng 28 tỷ đồng.
Diễn biến cùng chiều, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina, đã bán hơn 33.600 cổ phiếu vào ngày 4/3. Bà Ngọc hạ sở hữu xuống 2,36 triệu cổ phiếu (tương đương 0,84% vốn).
Được biết, hoạt động thoái vốn của người nhà và bên liên quan lãnh đạo của hãng thép có trụ sở tại Bình Dương này đã diễn ra xuyên suốt từ cuối 2023 kéo dài đến nay, với số lượng dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu cổ phiếu.
Dùng 2 nhà máy 6.700 tỷ đồng góp vốn với nhà đầu tư
Mới đây, Pomina đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng 3/2024 để thông qua phương án tái cấu trúc công ty.
Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái cho biết, trong bối cảnh khó khăn vừa qua, ban lãnh đạo vẫn quyết liệt để phục vụ 2 mục tiêu chính là lành mạnh hoá tài chính và tối ưu hóa sản xuất. Lò cao sẽ chạy vào cuối năm nay để đón sự hồi phục của ngành bất động sản.
Về phương án tái cấu trúc, nhằm đồng bộ khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lượng sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và Pomina 3, cổ đông đã thông qua việc Pomina sẽ cùng với nhà đầu tư mới góp vốn thành lập Công ty CP Pomina Phú Mỹ.
Cụ thể, Pomina Phú Mỹ dự kiến có vốn điều lệ khoảng 2.700-2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng, được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.
Nhà sản xuất thép này sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900-1.000 tỷ đồng, bằng toàn bộ giá trị đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp 65% vốn còn lại bằng tiền, tương đương 1.800-1.900 tỷ đồng.
Theo kết quả định giá tài sản của Công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là hơn 336 tỷ đồng và Pomina 3 là 6.358 tỷ đồng.
Còn theo tính toán từ Pomina, tổng giá trị 2 nhà máy trên dao động từ 6.000-6.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100-5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào Công ty Pomina Phú Mỹ. Số tiền này dự kiến sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng và khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp.
Về danh tính nhà đầu tư mới, phía Pomina cho biết chưa thể công bố thông tin trong lần họp bất thường này do quá trình đàm phán vẫn diễn ra và đang đi tới bước cuối cùng. Song, đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động gần với ngành thép.
“Do yếu tố bảo mật nên công ty cũng chưa thể công bố danh tính nhà đầu tư, thay vào đó việc công bố dự kiến được thực hiện trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 4 tới”, Pomina cho biết.
Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho rằng vấn đề tài chính là quan trọng trong thương vụ này để có thể khởi động lại lò cao, lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường phía Nam.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, doanh nghiệp này sẽ bán tài sản các nhà máy Pomina 1 và 3, trong đó sẽ di chuyển toàn bộ dây chuyền cám về nhà máy Phú Mỹ, điều này cũng sẽ góp phần giảm bớt giá thành sản xuất của công ty.
Theo đó, doanh thu tại nhà máy Pomina Phú Mỹ có thể lên đến 14.000-15.000 tỷ đồng, chưa tính đến nguồn thu từ nhà máy Pomina 2.