Vừa qua, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Viện PLD) đã tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và thể chế đất đai.
Tại đây, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng Luật Đất đai 2013. Từ đó, đề xuất những giải pháp về thể chế, chính sách cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Pháp luật cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung…
Xác định, phân tích kỹ lưỡng các cân đối lớn trước khi tiến hành quy hoạch
Bàn về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp nông thôn có thể coi là lĩnh vực đạt được nhiều thành công của Việt Nam. Nông nghiệp nông thôn sẽ không thể thành công như vậy nếu không có những chính sách, quy định đúng đắn.
Năm 2013, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được ban hành và triển khai. Theo đó, cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Qua đó, chỉ trong vòng 4 năm, gần 400.000 hecta đất nông nghiệp được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả.. Điều này tạo nên 1 sự đột phá rất mạnh.
Tuy nhiên, TS Đặng Kim Sơn cho rằng vấn đề quy hoạch vẫn còn thiếu đi sự phân tích về các cân đối chính. Theo đó, ông cho rằng, cần có 1 cơ quan chuyên môn xác định các cân đối chính, tính toán kỹ lưỡng về những tác động, ảnh hưởng rồi mới đưa vào quy hoạch.
Thêm nữa về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thời gian qua, công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển mạnh, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp là điều hợp lí. Chúng ta mong đợi rằng đất phi nông nghiệp sẽ được lấy vào các vùng đất chuyên dùng nhưng trên thực tế, hầu hết đất phi nông nghiệp lại lấy vào phần đất nông nghiệp đã được đầu tư, xây dựng làm cơ sở hạ tầng qua hàng chục, hàng trăm năm.
Trích dẫn số liệu, TS Đặng Kim Sơn cho biết, thời gian qua đất chuyên dùng sử dụng vào các mục đích tăng vọt từ 8% năm 2000 lên 50% vào năm 2015 và duy trì ở tỷ lệ đó cho đến nay. Đất ở tăng rất nhanh từ 8% năm 2000 lên 19% vào năm 2018. Tuy nhiên, đất tự nhiên (ví dụ như: sông, suối, mặt nước chuyên dùng) sụt giảm mạnh từ 64% năm 2000 xuống còn 26% năm 2018. Rõ ràng đã có sự đánh đổi vô cùng lớn giữa môi trường với nền kinh tế. Các loại đất đang không được sử dụng vào đúng mục đích của nó.
TS Đặng Kim Sơn đánh giá, hiện nay vấn đề chuyển đổi đất còn rất nhiều tồn tại, bởi nó không chỉ liên quan đến vấn đề về an sinh, chính trị - xã hội, vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về môi trường.
Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai về mặt không gian
Phát biểu tại Hội thảo, ông Joshua Goldman - CEO Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (Australis) đã có chia sẻ về những vướng mắc trong pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thuê đất gắn liền với mặt biển mà nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang gặp phải.
Cụ thể, ông Joshua cho biết, giấy phép đầu tư và phần đất thuê trên đất liền của công ty Australis có thời hạn đến năm 2043, tuy nhiên thì một số khu vực mặt nước trên vịnh Vân Phong lại hết hạn sớm hơn, vào tháng 7/2023. Điều này gây khó khăn cho cam kết đầu tư lâu dài cùng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh của công ty bởi nuôi trồng thủy sản là một ngành thâm dụng vốn, đòi hỏi hoạt động sản xuất phải được duy trì liên tục, dài hạn.
Ông Joshua chia sẻ thêm rằng, theo quy định mới trong pháp luật Việt Nam, những doanh nghiệp như Australis đã có thể thuê mặt biển với thời hạn lên đến 50 năm. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài, giúp Việt Nam đưa ngành phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong hiện tại, đang điều chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt lại không tính đến chuyện tích hợp không gian biển để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, mặc dù đây là cái nôi của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam với năng suất cao nhất (gấp 3 lần năng suất trung bình của ngành thủy sản Việt Nam) cùng tiềm năng đổi mới vô cùng tốt.
Ông Joshua cho rằng, nếu xây dựng được những quy hoạch hợp lý, điều chỉnh theo Luật biển và Luật Đất đai, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu thế giới trong tương lai với nền kinh tế biển xanh.
Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất ven biển, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và Quốc hội về quy định Luật Đất đai sẽ điều chỉnh đến đâu, sao cho phù hợp cả về kinh tế lẫn chủ quyền biển đảo.
Ông cho biết, hiện nay, đất đai được giao cho các địa phương trực tiếp quản lý, nhưng biển lại do Trung ương quản lí. Bởi vậy cần xác định rõ ranh giới nếu không việc quản lý sẽ rất khó khăn.
Đồng quan điểm với ý kiến này, TS. LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện PLD nhận định, việc xác định được đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai đến phạm vi nào về mặt không gian là nội dung rất quan trọng. Bởi từ đó, chúng ta mới có thể đi đến việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch để phát triển.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) góp ý cần phải rõ nội hàm về quyền sử dụng đất của người dân. Ông cho rằng, hiện đang có sự mất cân đối giữa quyền của các cơ quan chức năng và quyền của người sử dụng đất. Theo đó, ông đề xuất ý kiến cần luật hóa quy định về những việc mà người dân không được phép thực hiện trên mảnh đất được giao…