Theo đó, phạm vi nghiên cứu trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Nga Sơn, với diện tích tự nhiên khoảng 157,82 km2.
Tính chất vùng: Là cửa ngõ vươn ra biển phía Đông Bắc của tỉnh, đầu mối giao lưu thương mại, dịch vụ, kinh tế biển của các hành lang kinh tế Đông Bắc và hành lang kinh tế ven biển.
Theo quy hoạch được phê duyệt, dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 1.000 ha - 1.500 ha. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 1.500 ha - 2.000 ha.
Mô hình phát triển không gian vùng huyện Nga Sơn được xác định: “Ba khu vực trọng tâm phát triển - Hai hành lang kinh tế”.
Trong đó, ba khu vực trọng tâm phát triển gồm: Khu vực trọng tâm phát triển đô thị (gắn với thị trấn Nga Sơn); Khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế biển phía Đông Nam (gắn với Đô thị Hói Đào); Khu vực trọng tâm phát triển du lịch phía Bắc (gắn với Đô thị Điền Hộ).
Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Đông Tây là QL.217 và 217B kéo dài; Hành lang kinh tế Bắc Nam là QL.10 và đường bộ ven biển.
Quy hoạch vừa được phê duyệt cũng đã định hướng các phân vùng phát triển.
Cụ thể, Tiểu vùng 1 (Vùng trung tâm): Phạm vi bao gồm thị trấn Nga Sơn và các xã Nga Trung, Nga Thành, Nga Hải, Nga Trường, Nga Bạch. Trung tâm tiểu vùng là thị trấn Nga Sơn. Phát triển đô thị gắn với trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội của huyện.
Tiểu vùng 2 (Vùng phía Đông): Phạm vi bao gồm đô thị Hói Đào và các xã Nga Thái, Nga Tân, Nga Thủy. Trung tâm tiểu vùng là đô thị Hói Đào. Phát triển công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế biển.
Tiểu vùng 3 (Vùng phía Bắc): Phạm vi bao gồm đô thị Điền Hộ và các xã Nga Thiện, Nga Giáp, Nga An. Trung tâm tiểu vùng là đô thị Điền Hộ. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao (sân golf), du lịch văn hóa tâm linh và bảo vệ cảnh quan hệ sinh thái.
Tiểu vùng 4 (Vùng phía Tây): Phạm vi bao gồm Nga Vịnh, Ba Đình, Nga Thắng, Nga Phượng, Nga Thạch. Phát triển nông nghiệp tập trung và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.