Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định này tạo ra bất bình đẳng giữa người dân đang sử dụng đất và chủ đầu tư được chuyển nhượng, tất yếu xảy ra khiếu kiện.
Sáng nay 3.11, tại kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, trước đây khung giá đất do nhà nước áp đặt ý chí chủ quan nhưng theo dự thảo luật sẽ có bảng giá sát với thị trường. Đó là tiến bộ của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nếu thực hiện được như trong dự thảo luật sẽ xóa bỏ được bất cập hiện nay.
Theo ông Cường, vấn đề tham nhũng đất đai xảy ra cũng chính vì giá đất thấp. Hay như khiếu kiện, ông cho rằng nếu bảng giá sát với thị trường thì sẽ không còn khiếu kiện do được đền bù thỏa đáng.
Tuy nhiên, một vấn đề khác khiến đại biểu này băn khoăn, đó là câu chuyện thu hồi đất.
Ông Cường nêu rõ, hiện có 2 phương thức thu hồi, một là nhà nước đứng ra quyết định thu hồi, hai là doanh nghiệp và người dân thỏa thuận. Trong dự thảo lần này, vẫn tồn tại 2 phương thức thu hồi. Nói để nhà đầu tư thỏa thuận với người dân, nghe có vẻ như đảm bảo lợi ích của người dân. Tuy nhiên, thực tế nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao vọt hơn hẳn khi do nhà nước thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng, xảy ra bất bình đẳng và sinh ra khiếu kiện.
"Việc này chắc chắn xảy ra trong tương lai. Như vậy có sự bất bình đẳng giữa 2 phương thức thu hồi đất", ông Cường nói.
Về việc bất bình đẳng giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng đất, ông Cường dẫn ví dụ người dân có đất nông nghiệp có quy hoạch thành đất ở, nhưng họ không được chuyển đổi sang đất ở, nhà đầu tư "nhảy vào" mua 1,2 triệu/m2, được chuyển đổi sang đất đô thị và bán 4,5 triệu/m2 chỉ cần có thêm 1 con đường.
Về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo luật quy định, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Đại biểu cho rằng, con số 15 lần là cảm tính, không có căn cứ.
Do đó, không nên quy định về hạn mức chuyển nhượng, nhưng với người muốn sử dụng nhiều đất nông nghiệp thì giao đất trong hạn điền, còn nhiều hơn là thuê đất. Khi đó, không còn đầu cơ đất.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) – Chủ tịch Agribank, nêu vấn đề, cơ chế quản lý đất đai và chuyển đổi đất đai hiện nay chỉ bằng một quyết định hành chính, một tờ giấy A4 có thể chuyển đổi trạng thái đất, từ một mảnh đất mấy chục triệu đồng có thể thành mấy tỷ đồng. Nếu điều này không được thực hiện đúng sẽ dẫn tới bất bình đẳng và nảy sinh tranh chấp.
Cũng theo ông Ấn, rất nhiều doanh nghiệp giàu lên từ đất. Nếu bất động sản trở thành kênh có giá trị nhất, đầu tư sinh lời lớn nhất, tất cả mọi thứ sẽ tập trung vào bất động sản.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay tạo hệ sinh thái thành lập hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp để đầu tư vào bất động sản, kể cả "qua mặt" các ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý nhà nước về mục tiêu sử dụng vốn, vòng vèo giữa các doanh nghiệp với nhau, ký kết hợp đồng về thương mại dịch vụ nhưng đầu cơ vào bất động sản.
Về lâu dài, ông Ấn cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, phải giải được bài toán làm thế nào kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có thể tạo lợi nhuận ở mức trung bình – cao. Bởi nếu là lợi nhuận đi đầu thì sẽ dẫn tới tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Về cưỡng chế thu hồi đất, theo ông Ấn, hiện có tình trạng, người tuân thủ thì thua thiệt và người chây ì lại có lợi ích. Tức là, người đi trước được đền bù thấp, càng chây ì càng cao. Dẫn tới người tuân thủ không chỉ cảm thấy thiệt thòi mà còn thấy "bị hớ".