Một góc Phú Thọ.
Tỉnh mới: 3,6 triệu dân, hành chính trung tâm tại Phú Thọ
Theo đề án hợp nhất, ba tỉnh sẽ "về chung một nhà" dưới tên gọi tỉnh Phú Thọ (mới), với diện tích hơn 9.400km², quy mô dân số khoảng 3,6 triệu người. Trung tâm hành chính – chính trị được xác định tại thành phố Việt Trì, giữ vai trò đầu não của vùng đất Tổ sau hợp nhất.
Cắt giảm hơn 2/3 đơn vị cấp xã
Với riêng tỉnh Phú Thọ hiện nay, việc sắp xếp hành chính sẽ khiến số đơn vị cấp xã giảm từ 207 xuống còn 66 – tức giảm 141 đơn vị, tương đương 68,1%.
Phương án sáp nhập được thiết kế kỹ lưỡng nhằm đảm bảo: vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông tốt, cơ sở hạ tầng đáp ứng phát triển lâu dài, giữ vững quốc phòng – an ninh và tránh mất cân đối vùng miền.
Phương án chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã sẽ được triển khai đồng thời. Tổng biên chế dự kiến là 32 người/xã (chưa kể lực lượng đảng, đoàn thể), kết thúc sử dụng người hoạt động không chuyên trách. Các trường học, trạm y tế vẫn giữ nguyên và tổ chức lại phù hợp với mô hình mới.
Dự kiến, lộ trình thực hiện đề án sẽ được triển khai theo mốc thời gian gấp rút: trước ngày 25/4/2025 sẽ tiến hành lấy ý kiến cử tri; ngày 26/4/2025, HĐND cấp huyện và xã thông qua nghị quyết; tiếp đó, HĐND tỉnh sẽ thông qua Đề án vào ngày 29/4/2025. Hồ sơ hoàn thiện gửi Bộ Nội vụ thẩm định trước ngày 1/5/2025. Từ ngày 1/7/2025, 13 đơn vị hành chính cấp huyện hiện tại sẽ chính thức kết thúc hoạt động; đến ngày 15/8/2025, các xã mới bắt đầu vận hành; và chậm nhất là ngày 15/9/2025, mô hình cấp tỉnh mới sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhấn mạnh: sắp xếp hành chính là bước đi tất yếu, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy và tiết kiệm ngân sách. Việc lựa chọn tên gọi đơn vị hành chính mới được khuyến khích gắn với lịch sử – văn hóa – đặc trưng vùng đất Tổ.