Các mã trong danh sách đa phần bị cắt margin do thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo, hạn chế giao dịch, kiểm soát hay lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán là số âm…
Trong khi đó, một số mã cổ phiếu bị cắt margin do nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật thuế như L40 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 40; VNT của Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Ngoại thương; NRC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi.
Ngoài ra, một số mã cổ phiếu như KTT của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư KTT; LPD của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar; NRC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi bị cắt margin do báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024 có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
So với số lượng 72 mã bị cắt margin trong quý 3/2024, danh sách trong quý 4 tăng lên thành 85 mã, trong đó vẫn xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như: AAV của Công ty Cổ phần AAV Group, BCC của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, NVB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB), TKG của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh...
Theo Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-UBCK năm 2017 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì trường hợp chứng khoán không còn nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ, công ty chứng khoán sẽ không được thực hiện cho vay mới đối với các chứng khoán này và không được tính chứng khoán này làm tài sản thực có của khách hàng trên tài khoản giao dịch ký quỹ nhưng vẫn được coi chứng khoán này làm tài sản bảo đảm cho khoản vay giao dịch ký quỹ trừ khi có thỏa thuận khác với khách hàng.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ không được xem là tài sản thực có của khách hàng trên tài khoản giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, vẫn có thể xem làm tài sản bảo đảm cho khoản vay giao dịch ký quỹ trừ khi có thỏa thuận khác với khách hàng.