Công nhân vô tư quên bảo hộ tại công trình của Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương

Liên tiếp những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên các công trường xây dựng cho thấy tình trạng mất an toàn, đe dọa tính mạng của lực lượng lao động đang bị bỏ qua hàng ngày. Đây là những hồi chuông báo động rất khẩn thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nỗ lực kiểm soát, bịt những lỗ hổng trong quy định, quản lý và thực thi an toàn cho người lao động.
Những vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng đang thi công có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng chưa được thực hiện triệt để.

Dường như, đối với nhiều chủ đầu tư và nhà thầu thì các quy định về bảo đảm an toàn trong khi làm việc không quan trọng bằng việc giảm thiểu tối đa chi phí trong quá trình xây dựng, nên thực hiện công tác này một cách đối phó và không đúng quy định.

ATLD1
Dự án “Mở rộng khu khám và điều trị chuyên ngành” của Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng trung ương)

Hình ảnh thường thấy trên các công trường xây dựng là người công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ; nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ… Anh N.V.H làm phụ hồ, quê ở Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Khi thi công những công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện. Còn giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen. Trong khi nhiều khu vực có môi trường làm việc thiếu an toàn, như không có hệ thống che chắn, sàn thao tác, lan can bảo vệ, thiếu hệ thống đèn tín hiệu, biển cấm nguy hiểm…”.

ATLD2
Công nhân thi công trên giàn giáo nhưng không có bất cứ đồ bảo hộ, an toàn nào.)

Tại dự án “Mở rộng khu khám và điều trị chuyên ngành” của Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công chính là Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại Đức Hòa. Không khó để nhận ra hình ảnh công nhân lao động đứng chênh vênh trên giàn giáo cao từ vài mét đến vài chục mét nhưng không có bất cứ thứ gì để bảo đảm an toàn khi có sự cố sảy ra.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kha – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Đức Hòa lại lấy làm lạ: “Tại sao khi công trình của chúng tôi đã bắt đầu đi vào quá trình hoàn thiện rồi mới bị phản ánh về tình trạng mất an toàn lao động?”.

Ông Kha cũng khẳng định, công trình của Công ty Đức Hòa đang xây dựng không có tình trạng mất an toàn lao động như phản ánh.

ATLD3
Công nhân vô tư quên bảo hộ tại công trình của Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương)

Theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công xây dựng. Cụ thể, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ, kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường; tổ chức bộ phận quản lý ATLĐ theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về ATLĐ đối với phần việc do mình thực hiện; nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất ATLĐ…

Cũng theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, người lao động (NLĐ) có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không bảo đảm an toàn; chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.

ATLD4
Công trình của Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương)

Hiện nay có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình thẩm định, giám sát phương án thiết kế đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng bao gồm: Thanh tra của Sở Lao động thương binh và xã hội, cán bộ phụ trách đô thị tại các chính quyền phường, quận, thành phố, các cơ quan giám sát của Sở Xây dựng… Tuy nhiên, vẫn còn những công trình làm theo kiểu "chiếu lệ", "khuất mắt trông coi", các cơ quan quản lý nhà nước thì lỏng lẻo trong việc kiểm tra, giám sát về bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công.

Thực tế, cứ sau mỗi vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, lại sẽ có việc thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động tại công trường. Rõ ràng là chúng ta đã "mất bò mới lo làm chuồng". Sự việc xảy ra rồi, thiệt hại rồi mới thanh tra, kiểm tra và có đôi khi là xử phạt, song rồi đâu lại vào đấy, vì lợi nhuận, vì tiến độ… các vụ tai nạn lao động thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra. Cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các công trình xây dựng buông lỏng công tác đảm bảo an toàn lao động để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình thi công.