Theo phản ánh của nhiều cổ đông, trong đó có đơn của ông Lường Văn Sơn - Thầy thuốc nhân dân, Ủy viên MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP dược vật tư y tế Thanh Hóa gửi các cơ quan chức năng thì từ khi nhà nước thoái vốn năm 2015, công ty được tư nhân mua và nắm giữ điều hành. Nhưng trong giai đoạn gần đây, Công ty CP dược vật tư y tế Thanh Hóa có các kết quả kinh doanh giảm sút nhiều so với thời điểm trước đó.
Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông công ty năm 2021 diễn ra hôm 28/4, các chỉ tiêu báo cáo về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 đều không đạt theo kế hoạch đã đề ra trước đó. Theo đó, tổng doanh thu 2020 xấp xỉ 533 tỉ đồng, đạt 95% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 4,616 tỉ chỉ đạt 82% kế hoạch đã đề ra.
Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của công ty giảm nhiều so với mức doanh thu của năm 2015 (thời điểm nhà nước thoái vốn) là 714 tỉ và thấp hơn nhiều so với con số xấp xỉ trên 800 tỉ hàng năm trong giai đoạn trước khi nhà nước thoái vốn.
Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng ghi nhận mức giảm trong năm 2020, khi đạt 3,596 tỉ đồng giảm gần 50 triệu so với con số 3,645 tỉ đồng năm 2019. Điều đó cho thấy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2020 có giảm sút so với năm liền kề 2019.
Tiếp tục so sánh thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty tại thời điểm năm 2015 với các năm 2019; 2020 có sự sụt giảm lớn. Theo đó, tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân(ROEA)- thể hiện hiệu quả khi nhà đầu tư bỏ ra 1 đồng vốn của minh sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận ghi nhận giảm lần lượt xấp xỉ từ 11,03% xuống 2,89%; 2,9%. Tương tự, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu(ROS) giảm lần lượt các năm xấp xỉ là 1,82% xuống còn 0,7% và 0,69%.
Bên cạnh đó, năm 2019 nhiều cơ quan báo chí nhận được đơn thư tố cáo về việc công ty “chi khống” lương cho 27 chi nhánh, mỗi chi nhánh xấp xỉ 20 triệu/tháng, (nhân với 12 tháng) bằng xấp xỉ khoảng 6,48 tỉ đồng/một năm. Cơ quan điều tra(PC03) sau khi vào cuộc điều tra, xác định công ty trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đúng các nội quy, quy định điều lệ của công ty và Luật Doanh nghiệp, không phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp nối những “nghi vấn” trên, năm 2019, trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp bất ngờ ghi nhận số tiền 5,182 tỉ đồng được “treo” trên Tài khoản 138 (tài khoản phải thu khác). Theo lý giải từ đại diện Ban kiểm soát công ty, đây là khoản chi lương, thưởng trái quy định và cần thu lại theo công văn CV 28-2019/QĐI-HĐQT.
Theo ông Lường Văn Sơn, đã ghi trong đơn gửi các cơ quan “đây là khoản mà công ty hạch toán “có vấn đề” nhằm chuyển “lỗ thành lãi” trong năm 2019, ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông về tính minh bạch và có “nguy cơ” sai lệch bản chất của kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ và các khoản thuế nộp cho nhà nước”.
Đáng chú ý, theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông công ty năm 2021 ngày 28/4 vừa qua, Giám đốc Trần Thanh Minh cho biết đã tự sắp xếp, nộp vào công ty số tiền 5,182 tỉ đồng đang “treo” trên tài khoản 138 (tài khoản phải thu khác) từ năm 2019. Những lùm xùm liên quan tới các khoản chi lương, thưởng này bản chất như thế nào? Có lẽ lãnh đạo công ty sẽ hiểu rõ hơn ai hết khi “chấp nhận sắp xếp”, và đã nộp lại vào công ty.
Cũng theo thông tin được công bố tại Đại hội cổ đông, trong năm 2020 kết quả kinh doanh của công ty tăng gần 11 tỉ đồng doanh thu, nhưng đông thời cũng tăng khoảng 11 tỉ đồng chi phí nhân công so với năm 2019. Ông Sơn, nguyên lãnh đạo công ty hơn 30 năm, hiện là một trong 5 cổ đông lớn của công ty cho rằng việc này là “bất thường” và ông đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra. “Tôi đã có đơn kiến nghị thanh tra việc này với tư cách là cổ đông công ty”, ông Sơn nói.
Vẫn được tặng cờ thi đua của Tỉnh
Ngày 1/4/2021, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định tặng cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh cho 93 tập thể đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2020. Trong đó có tên Công ty CP dược vật tư y tế Thanh Hóa.
Theo tìm hiểu, trước thời điểm nhà nước thoái vốn, Công ty cổ phần Dược Vật tư y tế Thanh Hóa luôn nằm trong tốp 500 doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn nhất cả nước, tốp 1000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cả nước và tốp 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành Dược Việt Nam. Đặc biệt, Công ty cổ phần Dược Vật tư y tế Thanh Hóa năm 2007 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty có phần giảm sút, nhiều chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh năm 2020 không hoàn thành, nộp ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khi nhà nước thoái vốn.
Ông Lường Văn Sơn, dù là cổ đông của công ty, nắm giữ 49.776 cổ phần (0,67%) cũng tỏ ra khó hiểu trước quyết định tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh Thanh Hóa cho công ty.
“Việc công ty làm ăn bết bát, lợi nhuận giảm sút, mức nộp ngân sách năm 2020 chỉ bằng khoảng 60% so với một số năm trước đó. Hơn nữa các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2020 và 5 năm(2018-2022) của Hội đồng cổ đông đã thông qua đều không đạt. Dù vậy, công ty vẫn được tặng cờ thi đua thì rất khó hiểu”, ông Sơn cho biết.
Theo tìm hiểu, căn cứ Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 13/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, nguyên tắc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật thi đua khen thưởng, Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017 của Bộ Nội vụ. Trong đó việc xem xét thi đua, khen thưởng “phải gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân” hoặc “các tập thể và cá nhân từ yếu kém phấn đấu thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua”; “có thành tích tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng lớn đối với tỉnh”…
“Với kết quả làm ăn bết bát như vậy, chúng tôi kính đề nghị tỉnh rút lại danh hiệu “cờ thi đua” để trao cho đơn vị thực sự xứng đáng”, ông Sơn bày tỏ nguyện vọng.