Sản xuất an toàn
Từ 1/9, Củ Chi là 1 trong 3 quận, huyện của TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid -19. Từ 15/9, Củ Chi đã được nới lỏng một số quy định trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất tại các KCN.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Củ Chi có 4 KCN, gồm: KCN Tây Bắc Củ Chi rộng 387 ha, KCN Đông Nam rộng 342,5 ha, KCN Tân Phú Trung 542 ha, KCN Cơ khí ô tô rộng 100 ha…với hơn 1.000 doanh nghiệp và hàng chục ngàn công nhân. Theo đại diện các KCN, trong giai đoạn TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt từ khi thành phố bước vào giai đoạn giãn cách xã hội triệt để “ai ở đâu ở đấy” từ 23/8, chỉ một số nhỏ các doanh nghiệp trong KCN đáp ứng được tiêu chí “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghiệp – thương mại Củ Chi, chủ đầu tư KCN Tây Bắc Củ Chi cho biết: “Trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng doanh nghiệp đáp ứng 3 tại chỗ chỉ chiếm 30% số doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN, chủ yếu là các doanh nghiệp có ít công nhân.Việc thực hiện “3 tại chỗ” khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên. Đồng thời, thiệt hại về kinh tế do ngừng sản xuất của doanh nghiệp là rất lớn”.
Từ 16/9, do Củ Chi l được nới lỏng một số quy định phòng, chống dịch nên các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn huyện được thực hiện mô hình “4 xanh” bên cạnh mô hình “3 tại chỗ”. Theo hướng dẫn của Ban Quản lý các KCX – KCN TP.HCM, quy định “4 xanh” gồm: "người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh".
Trong đó, "người lao động xanh" phải đáp ứng các điều kiện gồm có thẻ xanh Covid, cư trú tại các địa bàn thuộc "vùng xanh" của địa phương và xét nghiệm PCR âm tính. Về "Cung đường xanh", nếu người lao động đi bằng xe cá nhân phải cam kết với chủ doanh nghiệp đảm bảo tuân theo lộ trình đã đăng ký, đi từ "nơi ở xanh" đến nơi làm việc. Trường hợp đi lại bằng xe đưa đón của nhà máy phải tuân thủ 5K, giãn cách, tài xế có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ.
Nhà máy được xem là "vùng sản xuất xanh" phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá an toàn sản xuất do thành phố ban hành và không phát sinh ca nhiễm trong 7 ngày qua. Người đến giao dịch tại doanh nghiệp phải có thẻ xanh, nếu thẻ vàng cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Định kỳ 5 ngày, nhà máy tổ chức xét nghiệm cho lao động và gửi kết quả về cơ quan chức năng. Về "Nơi ở xanh" được xác định là "vùng xanh" được địa phương công bố mà người lao động sống.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, các doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Củ Chi đang gấp rút chuẩn bị và đăng ký với Ban quản lý các KCX – KCN TP.HCM để được thực hiện mô hình “4 xanh” trong sản xuất. Việc thực hiện mô hình này sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời phát huy được lợi thế của “huyện xanh” Củ Chi.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư huyện ủy Củ Chi cho biết: Việc khôi phục lại sản xuất là yêu cầu cấp bách, nhưng sản xuất cũng buộc phải an toàn. Trong đó, điều kiện tiên quyết là người dân và người lao động ở các doanh nghiệp tham gia sản xuất phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đến nay, huyện Củ Chi đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 và hơn 30% mũi 2. Củ Chi đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân, đặc biệt “chạy nước rút” để phủ vắc xin cho hàng chục ngàn lao động trong các KCN trên địa bàn.
Đảm bảo các quy định về môi trường
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghiệp – thương mại Củ Chi cho biết, KCN Tây Bắc Củ Chi có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 6.000 m3/ngày đêm. Trong thời gian thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, lượng nước thải của các doanh nghiệp chỉ khoảng 1.000 m3/ngày đêm. Mặc dù lượng nước thải chỉ bằng một phần so với bình thường nhưng KCN vẫn phải vận hành nguyên hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý 24/24, nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tâm, công tác thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt của các doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Củ Chi luôn được duy trì theo kế hoạch, không phát sinh ô nhiễm trong suốt thời gian giãn cách xã hội.
Đại diện Công ty CP Phát triển đô thị Sài Gòn, chủ đầu tư KCN Tân Phú Trung cũng cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, số lượng các doanh nghiệp hoạt động chỉ chếm 1/3 nhưng Công ty vẫn vận hành liên tục hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất 4.000 m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải của tất cả các doanh nghiệp KCN điều được xử lý đạt Quy chuẩn loại A (QCVN 40:2011 BTNMT) trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài. Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải tập trung được đầu tư thiết bị quan trắc tự động và truyền dữ liệu trực tiếp về Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường (Sở TN&MT TP.HCM) nhằm kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra 24/24h.
Bên cạnh đó, tận dụng giai đoạn này, Ban quản lý KCN Tân Phú Trung đã tiến hành bảo trì bảo dưỡng, thay thế thiết bị của hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo nước thải của các doanh nghiệp trong KCN luôn luôn được xử lý triệt để.
Tour du lịch theo mô hình “Cùng đường xanh”
Ngày 19/9, huyện Củ Chi và Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp tổ chức tour du lịch mang tên “Hành trình xanh về vùng đất thép" cho 108 bác sỹ, nhân viên y tế nhằm ghi nhận, trân trọng những đóng góp của lực lượng tuyến đầu chống dịch với thành phố.
Đây là tour du lịch được tổ chức theo mô hình “cung đường xanh”. Theo đó, đơn vị tổ chức du dịch phải xét nghiệm cho khách và đảm bảo tất cả khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Khi xe xuất phát phải đi thẳng xuống huyện Củ Chi và tại đây sẽ có hướng dẫn tham quan đảm bảo cung đường an toàn.
Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, sau tour du lịch “đầu tay” này, Củ Chi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều tour du lịch khác nhằm từng bước khôi phục lại ngành du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa về nguồn là thế mạnh của huyện.