Danh sách 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ

Một công ty niêm yết có 4 dự án điện gió nằm trong danh sách bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an yêu cầu cung cấp tài liệu, thông tin.

Danh sách 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời
Để phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

danh-sach-32-nha-may-dien-gio-dien-mat-troi-plpt-1482024-1-1027-1723705570.jpg

Thanh tra Chính phủ "tuýt còi" dự án Trang trại điện mặt trời BMT. (Ảnh: Báo Thanh Tra)

Theo Kiến thức đầu tư, trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió. Cụ thể:

Các nhà máy điện mặt trời bao gồm: (1) Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam; (2) Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc; (3) Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19; (4) Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1; (5) Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar; (6) Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc; (7) Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Energy Việt Nam; (8) Nhà máy điện mặt trời BMT; (9) Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1; (10) Nhà máy điện mặt trời Sông Giang.

Trong khi đó, các dự án điện gió bao gồm: (1) Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải; (2) Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; (3) Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk; (4) Nhà máy điện gió Viên An; (5) Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; (6) Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; (7) Nhà máy điện gió Tài Tâm; (8) Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai; (9) Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng; (10) Nhà máy điện gió BIM; (11) Nhà máy điện gió Cửu An; (12) Nhà máy điện gió Hàm Cường 2; (13) Nhà máy điện gió Ia Le 1; (14) Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; (15) Nhà máy điện gió Lợi Hải 2; (16) Nhà máy điện gió Đông Hải 1; (17) Nhà máy điện gió Ia Bang 1; (18) Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; (19) Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2; (20) Nhà máy điện gió Hướng Linh 1; (21) Nhà máy điện gió Hướng Linh 2; (22) Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.

455519810-122119454366379205-1948997201527783915-n-1723705570.jpg

(Nguồn: An ninh tiền tệ)

Theo đó, CTCP Điện Gia Lai (HoSE: GEG) sở hữu Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW), Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (50 MW), Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW).

Trên thị trường, phiên sáng ngày 13/8, GEG giảm sàn về 13.150 đồng/cp kèm thanh khoản 2,6 triệu đơn vị lúc 10h30, gấp 28 lần cùng thời điểm phiên giao dịch liền trước.

Bên cạnh đó, theo An ninh ttiền tệ, trong số các dự án bị điều tra, dự án có công suất lớn nhất là dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam với tổng công suất 450 MW, do Trungnam Group làm chủ đầu tư với với tổng chi phí xây dựng là 12.000 tỷ đồng. Các dự án liên quan Trung Nam danh sách còn có Trung Nam - Thuận Bắc, Điện gió Ea Nam.

Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.

Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.

Trong đó chỉ riêng tại địa bàn trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo là tỉnh Gia Lai đã có đến 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại 5 dự án điện gió ở Gia Lai
Báo Tiền Phong đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận số 263 ngày 19/7 về việc Thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thời kỳ thanh tra từ năm 2016-2020.

Cụ thể, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm xảy ra tại 5 dự án điện gió ở Gia Lai. Trong đó, Dự án nhà máy điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Cty điện gió 1) công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.916 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021; Dự án nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên do Cty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Cty điện gió 2), công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.917 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021) tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông.

Quá trình thực hiện 2 dự án này có một số vi phạm. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các sở ngành chức năng không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của Cty điện gió 1 và Cty điện gió 2, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 325 và quyết định số 326 ngày ngày 21/7/2020 cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu 20% tổng mức đầu tư của dự án), vi phạm quy định.

Điều này dẫn đến sau khi được cấp chủ trương đầu tư, trong vòng 1 tháng, khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư, ngày 19/8/2020, 2 cty điện gió đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần. Đến ngày 6/11/2021, 2 công ty này đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Cty EPVN W2 Company Limited).

Đến nay, cả 2 dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư (Cty điện gió 1 mới hoàn thành thi công lắp đặt 10/15 turbine và Cty điện gió 2 mới lắp 2/15 turbine), nhưng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ.

Đại diện chủ đầu tư 2 dự án trên giải thích, đến thời điểm hiện nay dự án đã được đầu tư và hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2021, với tổng vốn 3.202 tỷ đồng. Theo đại diện chủ đầu tư, tất cả nguồn vốn trên đều sử dụng nguồn vốn góp chủ sở hữu 30% và vay vốn của công ty mẹ 70%, không vay ngân hàng trong nước và nhà đầu tư đã đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện và hoàn thành cả hai dự án theo quy định.

“Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp là một hình thức đầu tư hợp pháp, được pháp luật Việt Nam cho phép theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Luật đầu tư 2014, đúng quy định pháp luật”, đại diện chủ đầu tư nói.

Liên quan đến đất rừng
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ các sai phạm tại Dự án nhà máy điện gió Chơ Long do Cty Cổ phần phong điện Chơ Long làm chủ đầu tư, công suất 155MW (tổng mức đầu tư 6.246 tỷ đồng, tiến độ từ quý III/2020 đến quý IV/2021); dự án Nhà máy điện gió Yang Trung do Cty Cổ phần phong điện Yang Trung thực hiện, công suất 145MW (tổng mức đầu tư 6.593 tỷ đồng, tiến độ từ quý IV/2020 đến quý IV/2021). Cả hai dự án này đều được thực hiện ở 3 xã của huyện Kông Chro.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khi UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Nam Chung là đại diện pháp luật của 2 dự án; chủ đầu tư không có vốn góp chủ sở hữu tương đương 20% tổng mức đầu tư của từng dự án, người đại diện pháp luật (tức ông Nguyễn Nam Chung - PV) có vi phạm về sử dụng đất và đã bị UBND tỉnh Hoà Bình xử lý năm 2020 (hành vi sử dụng đất không đúng mục đích như xây dựng cây xăng, siêu thị không phép), nhưng Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư (tháng 8/2020 cho cả 2 nhà máy) là thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.

Ngoài ra, quá trình thực hiện 2 dự án còn để xảy ra một số sai phạm khác, đặc biệt là việc UBND tỉnh ban hành quyết định số 410 ngày 20/8/2020 cấp chủ trương đầu tư cho Cty Cổ phần phong điện Chơ Long thực hiện dự án, trong đó có 98.500m2 đất lâm nghiệp không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế Cty Chơ Long đã thi công dự án điện gió trên đất quy hoạch lâm nghiệp trước khi chuyển mục đích sử dụng đất, vi phạm những hành vi bị cấm theo Điều 12, Luật Đất đai 2013 nhưng cơ quan chức năng của tỉnh đã buông lỏng quản lý, không phát hiện xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót trên thuộc giám đốc các Sở KH&ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và các tổ chức cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc dự án chuyển nhượng cổ phần khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai; việc chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; việc bồi thường, hỗ trợ trước khi cho thuê đất thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp; xác định, thu hồi tiền ký quỹ và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên. Quá trình xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Ngày 13/8, một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho PV Tiền Phong biết đang tiếp tục rà soát, kiểm tra để xử lý theo quy định đối với những sai phạm tại 5 dự án điện gió trên.

Nhiều sai phạm về phát triển nguồn điện

Báo Công an nhân dân đưa tin, trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận chung và Phụ lục Kết luận thanh tra đối với 8 địa phương là những địa bàn trọng điểm về phát triển điện gió, điện mặt trời.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm về phát triển nguồn điện, nhất là điện gió, điện mặt trời ở nhiều địa phương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra, xử lý.

Liên quan đến việc đề nghị điều tra, xử lý vi phạm, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 9 vụ việc liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương và một số dự án tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ xác định các nội dung cần điều tra, xử lý vi phạm gồm việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.

Trong số này đã phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020.

Theo Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội…

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sở hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất xấp xỉ 1MW trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại nuôi trồng.

Việc này theo Thanh tra Chính phủ không chỉ vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn giúp nhà đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà với giá FIT 20UScent/kW/h trong vòng 20 năm.

Đối với các địa phương liên quan, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các vụ việc như việc quản lý, sử dụng đất đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch khoáng sản quốc gia, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.

Việc xây dựng các dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch thủy lợi thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tại tỉnh ninh Thuận.

Tại tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới hồ chứa nước Ia Mơr.

Tại tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite.

Ngoài ra còn có vụ việc xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 trên điện tích 15,3 ha đất tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nằm ngoài phần diện tích 208 ha được giao.

Đồng thời, việc xây dựng dự án trên diện tích 208 ha được giao thì đã có hơn 25 ha đất rừng tự nhiên chưa được chuyển mục đích sang đất xây dựng công trình năng lượng.

Để làm rõ các vụ việc trên, ngày 21/2/2023 Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chuyển 8 vụ việc cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Ngày 1/3/2023, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản thông báo tiếp nhận kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.