Đây là điểm mới tại dự thảo Thông tư phương pháp xây dựng khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, gió đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Quy định này sẽ không áp dụng cho nhóm các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, mà chỉ áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư, xây dựng và mới đưa vào vận hành, ký kết hợp đồng mua bán điện.
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII khuyến khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, nơi có cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn nhiều so với miền Trung và miền Nam.
Để khuyến khích đầu tư nhà máy điện mặt trời tại khu vực này, cần có cơ chế khung giá cao hơn (do sản lượng điện năng nhận được thấp) hai miền còn lại. Tức là, khung giá phát điện sẽ được xác định trên cơ sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền.
Cũng theo dự thảo Thông tư, phương pháp xây dựng khung giá phát điện tương tự cách áp dụng với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Tuy nhiên, một số thông số đầu vào để tính toán khung giá sẽ khác, như công suất lắp đặt, đời sống kinh tế dự án, thời gian trả nợ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay, tỷ suất lợi nhuận, hệ số phân bố chuẩn tương ứng với điện năng kỳ vọng với điện gió.
Phương pháp tính cũng cập nhật các thông số về suất đầu tư, tỷ lệ vốn vay ngoại tệ, tỷ lệ chi phí vận hành bảo dưỡng (O&M), lãi vốn vay…
Bộ Công Thương cho biết, việc tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn đối với các thông số đầu vào để tính toán khung giá là thực hiện theo quy định tại Luật Điện lực. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tính toán khung giá, trình Bộ Công Thương thẩm định và ban hành.
Do đó, dự thảo Thông tư tiếp tục quy định EVN xây dựng và lựa chọn các tổ chức, đơn vị tư vấn phù hợp để thu thập số liệu đầu vào.
Trước ngày 1/11 hằng năm, EVN có trách nhiệm tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số nhà máy điện mặt trời, điện gió chuẩn và tính toán giá phát điện. Trên cơ sở lựa chọn thông số, EVN sẽ lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện của các loại hình năng lượng tái tạo