Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên thế giới để xác định mức độ vi phạm nồng độ cồn của các lái xe. Tùy vào quy định pháp luật cũng như văn hóa của mỗi quốc gia mà tiêu chuẩn BAC hay BrAC được tính theo các mức giới hạn khác nhau. Phần lớn mức giới hạn với BAC được tính theo thể tích, một số ít nơi lại theo khối lượng, tương đương con số cao hơn khoảng 6% so với thể tích.
Quy định về nồng độ cồn trên thế giới
Theo thống kê từ Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2018, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia (trong tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ) áp dụng mức giới hạn nồng độ cồn trong hơi thở là 0%. 19 nước còn lại đa phần là các quốc gia Hồi giáo nơi việc tiêu thụ đồ uống có cồn bị cấm tuyệt đối, bao gồm Afghanistan, Iran, Maldives, Pakistan, Qatar, Ả Rập Xê Út, UAE và Yemen. Các quốc gia còn lại trong nhóm này bao gồm Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia và Uruguay.
Nga từng dùng số 0 tuyệt đối trong quy định về giới hạn nồng độ cồn vào năm 2010 nhưng đã dỡ bỏ vào năm 2013, hiện tại ở mức 0,018%. Nhật Bản cũng có quy định về nồng độ cồn không vượt quá 0% đối với lái xe dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân là bởi quy định tại Nhật Bản không cho phép người dưới 20 tuổi được uống rượu bia. Canada cũng quy định mức 0% tuyệt đối với người mới lấy bằng lái.
Số còn lại, khoảng hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đều áp dụng "vùng xanh" khi xử lý nồng độ cồn (không dùng mức số 0 tuyệt đối).
Các nước quy định ngặt nghèo tiếp theo bao gồm Trung Quốc, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển ở mức 0,02%. Mức 0,03% bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, Belarus, Bosnia & Herzegovina.
Mức 0,05% là phổ biến nhất với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Úc, Áo, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Hong Kong, Đài Loan, Philippines, Thái Lan,...
Mức 0,08% khá "dễ chịu" đối với tài xế bao gồm Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico, Malaysia hay Singapore. Tuy nhiên, đối với nước Mỹ, tài xế dưới 21 tuổi bị giới hạn ở mức 0,02%, thậm chí bị cấm hoàn toàn ở một số bang.
Mức cao nhất 0,1% thuộc về quần đảo Cayman.
Mức phạt nồng độ cồn ở Việt Nam
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt nồng độ cồn như sau:
Mức phạt bổ sung
Tuy không có "vùng xanh" trong giới hạn nồng độ cồn như đa số các nước trên thế giới nhưng mức phạt bổ sung ở Việt Nam lại khá nhẹ nhàng. Mức phạt tối đa đối với người lái xe ô tô chỉ là phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 22-24 tháng.
Trong khi đó, tại Singapore, lái xe vi phạm lần đầu tiên bị phạt từ 1.500-7.500 USD kèm phạt tù tới 12 tháng. Người vi phạm từ lần thứ hai bị phạt tiền từ 3.700-15.000 USD và phạt tù không quá 2 năm.
Tại Nhật Bản, tài xế có thể chịu án tù đến 3 năm hoặc tiền phạt khoảng 4.000 USD nếu nồng độ cồn trong máu từ 0,03%-0,04%. Nếu nồng độ cồn vượt quá 0,04%, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 10.000 USD và phạt tù lên đến 5 năm.
Tại Mỹ, lái xe vi phạm lần đầu tiên bị phạt từ 2.000 USD, kèm phạt tù 180 ngày và thu bằng lái 1 năm. Người vi phạm lần thứ hai bị phạt tiền 4.000 USD, phạt tù từ 1-12 tháng và thu bằng 2 năm. Người vi phạm từ lần thứ ba sẽ chịu mức phạt lên đến 10.000 USD, phạt tù từ 2-10 năm và thu bằng 2 năm.
Tại Nga, kể từ tháng 7/2021, chính phủ nước này đã tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với lái xe tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn. Số tiền phạt cũng tăng lên từ 4.300 - 7.100 USD, hoặc bằng tiền lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 - 3 năm.
Tranh luận về xử phạt nồng độ cồn
Ở Việt Nam, đã có tờ báo làm cuộc khảo sát trực tuyến về việc áp dụng "vùng xanh" trong xử phạt nồng độ cồn và có tỉ lệ lên đến 90% người đồng ý với việc đó. Các lý do đưa ra bao gồm: máy đo nồng độ cồn cũng có sai số; lượng cồn ít không ảnh hưởng đến tinh thần lái xe; hay nhiều loại thực phẩm như hoa quả sau khi ăn cũng có thể có nồng độ cồn...
Như vậy, có thể thấy khá nhiều người ủng hộ "vùng xanh" trong xử lý vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được cân nhắc kỹ càng bởi các chuyên gia và cơ quan chức năng. Mỗi quốc gia đều có văn hóa và luật pháp riêng, việc đầu tiên đối với lái xe ra đường hiện giờ vẫn là tuân thủ tuyệt đối về nồng độ.