Ba vùng kinh tế trọng điểm ven biển
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết các ngành kinh tế biển tại tỉnh được phát triển theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là dịch vụ du lịch biển chất lượng cao. Tiếp đến là công nghiệp, cảng biển, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Đến nay, 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gắn liền với vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế -xã hội.
Tại khu kinh tế Vân Phong, nhiều dự án lớn đã và đang hoạt động có hiệu quả như nhà máy đóng tàu Huynhdai Việt Nam, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, cảng xi măng Xuân Thành, cảng xi măng Long Sơn.
Trong khi đó, vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
Cùng với thành phố Nha Trang, đây là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, đồng thời là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật và giáo dục đào tạo của tỉnh Khánh Hòa cũng như khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Đến nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, khu du lịch, đô thị ven biển đã và đang được đầu tư, hiện đại hóa thành các khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp đã được đưa vào sử dụng.
Đơn cử như, khu du lịch sinh thái Hòn Tằm, Vinpear land, khu bảo tồn biển Hòn Mun, khu du lịch sinh thái đầm Nha Phu,… đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh Khánh Hòa.
Trong khi đó, khu vực vịnh Cam Ranh đã và đang trở thành trung tâm kinh tế phía nam của tỉnh với mục tiêu phát triển đa ngành, kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với diện tích 2.150 ha được định hướng phát triển thành khu du lịch biển và nghỉ mát chất lượng cao. Đây cũng là trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, hội thảo, du lịch vùng, quốc gia và quốc tế.
Nhiều cơ hội phát triển mới
Ngày 28/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó đã định hướng nhiều vấn đề phát triển phát triển mới cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và khu vực ven biển của tỉnh nói riêng.
Trong đó, định hướng phát triển thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp.
Song song với đó, việc phát triển các vùng kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ theo hướng phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.
Ngày 13/7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Theo dự thảo báo cáo quy hoạch sử dụng đất thành phố Nha Trang đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 25.782 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm hơn 7.474 ha, đất phi nông nghiệp hơn 18.107 ha, còn lại là đất chưa sử dụng.
So với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phê duyệt trước đây, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 có thay đổi, bổ sung một số nội dung. Cụ thể là định hướng phát triển đô thị sinh thái trên núi, các khu vui chơi, giải trí trên biển.
Ngoài ra còn có định hướng phát triển đô thị khu vực dọc sông Cái, phía bắc sông Cái, TP. Nha Trang; phát triển hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, quy hoạch các trục đường mới.
Bên cạnh việc khẩn trương triển khai các đồ án quy hoạch có liên quan tại khu vực vịnh Cam Ranh và thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 5/7 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Tờ Trình số 6070/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh về việc đề nghị thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha. Trong đó, diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc hai huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Huyện Vạn Ninh với 13 phân khu chức năng được định hướng phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các loại hình du lịch biệt lập ven biển kết hợp các hoạt động tham quan, du lịch trải nghiệm trung tâm cảng biển quốc tế, khu phi thuế quan, khu du lịch cao cấp gắn với cảng du lịch đẳng cấp quốc tế, khu công nghiệp sinh thái.
Song song với đó, thị xã Ninh Hòa có 6 phân khu chức năng với định hướng phát triển các khu đô thị, dịch vụ du lịch và khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ.
Nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch cũng xác định diện tích đất thuận lợi cho xây dựng 31.630 ha, đất lấn biển có tổng diện tích 4.123 ha.
Chỉ tiêu sử dụng đất gồm: đất dịch vụ du lịch là 7.556 ha; đất công nghiệp là 4.320 ha; đất phát triển cảng biển là 1.200 ha; đất giao thông đối nội và ngoại vùng là 3.100 ha; đất hiện trạng đô thị và phát triển đô thị là 16.326 ha; đất khác là 3.151 ha.
Phát triển hạ tầng tại khu vực ven biển Báo cáo số 159/BC-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều dự án trọng điểm, mang tính động lực phát triển kinh tế biển tại tỉnh đã được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng như, dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 152 km; hai cầu vượt nút giao quốc lộ 1 và quốc lộ 1C; đường Nha Trang –Diên Khánh;… Hiện nay, một số dự án công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trên địa bàn tỉnh đang được tiếp tục triển khai thi công hoặc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Trong đó có một số dự án quan trọng quốc gia như dự án đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang – Cam Lâm và đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành vào năm 2023; dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng; dự án cầu Xóm Bóng; dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột. Bên cạnh đó còn có một số dự án địa phương như đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; đường vành đai 2; đường vành đai 3; nút giao Ngọc Hội; tỉnh lộ 2; tỉnh lộ 3;… |