Ngày nay, điều hòa không khí đang dần phổ biến, trở thành thiết bị không thể thiếu trong các văn phòng và hộ gia đình. Tuy nhiên, với những sai lầm khi lắp đặt và sử dụng điều hoà sẽ khiến cho giảm độ bền, tốn điện và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Ông Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa Không khí Việt Nam (VISRAE) cho biết, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người dùng tốn kém chi phí sửa điều hòa là do lắp đặt không đúng kỹ thuật, đồng thời điều này cũng khiến điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng vọt.
Vì vậy, trước khi lắp đặt điều hòa, cần cân nhắc kỹ vị trí lắp đặt để vừa đảm bảo điều hòa hoạt động hiệu quả, vừa có tính thẩm mỹ, phù hợp với kiến trúc công trình.
Lựa chọn công suất không phù hợp
Theo ông Tiên, trước khi lắp đặt điều hòa, cần lưu ý chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích căn phòng.
Cụ thể, nếu công suất làm lạnh quá nhỏ so với diện tích căn phòng, máy sẽ phải hoạt động liên tục, gây quá tải, ảnh hưởng đến tuổi thọ máy và tiêu tốn nhiều điện năng hơn mà phòng cũng không đủ mát. Ngược lại, việc lắp điều hòa có công suất quá lớn so với diện tích phòng cũng gây ra tình trạng lãng phí điện năng và chi phí mua điều hòa cũng cao hơn.
Theo đó, căn phòng có diện tích dưới 15m2 nên lựa chọn những chiếc điều hòa có công suất 9.000 BTU; diện tích từ 15-20m2 điều hòa nên có công suất 12.000 BTU; diện tích 20-30m2 điều hòa cần có công suất 18.000 BTU và diện tích 30-40m2 nên chọn mua những chiếc điều hòa có công suất 24.000 BTU.
Ngoài ra, người dùng cần tính toán kỹ lưỡng vị trí lắp đặt, xác định nơi đặt hai dàn nóng - lạnh để tăng độ bền và tiết kiệm điện năng.
Các chuyên gia cho biết, vị trí không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của máy lạnh, tính thẩm mĩ của căn nhà cũng như tiềm ẩn nguy cơ tác động không tốt đến sức khỏe người dùng.
Những điều cần tránh khi lắp đặt điều hòa
Đối với dàn nóng điều hòa
1. Lắp điều hòa ở tường thường xuyên có nắng chiếu vào
Khi hoạt động, điều hòa có xu hướng làm lạnh tại khu vực xung quanh nó trước, sau đó mới tỏa ra xung quanh phòng. Tường nóng sẽ khiến máy hoạt động nhiều hơn, gây tốn điện hơn.
Theo đó, vị trí tốt nhất để đặt cục nóng điều hòa là ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và có mái che. Khi lắp đặt cần phải lắp cách tường ít nhất 10cm, tuyệt đối không được dùng bất cứ thứ gì che đậy cục nóng, chỉ có thể làm mái che chắn nắng mưa tạt vào.
2. Lắp nhiều dàn nóng gần nhau
Để tiết kiệm không gian cũng như để thuận tiện cho việc bảo trì, nhiều gia đình lắp đặt các dàn nóng sát nhau, điều này khiến dàn nóng không được tản nhiệt trong điều kiện tốt nhất, lúc này nhiệt độ sẽ tăng cao hơn nhiều, điều hòa phải hoạt động nhiều hơn, gây ra tốn điện, giảm tuổi thọ của máy.
3. Lắp dàn nóng quá xa dàn lạnh
Để tránh nắng, lắp dàn nóng quá xa dàn lạnh trong nhà cũng là một sai lầm lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của điều hòa. Theo đó, nên đảm bảo khoảng cách giữa cục nóng và cục lạnh từ 3-7m, không được lắp đặt quá 8m.
4. Lắp dàn nóng cao hơn dàn lạnh
Trong quá trình lắp đặt, nên đặt dàn nóng điều hòa ở vị trí bên dưới dàn lạnh. Cụ thể, nếu đặt dàn lạnh thấp hơn cục nóng, gas điều hòa sẽ bay hơi hết mà dầu vẫn còn cặn lại, có thể chảy ngược lại đến dàn lạnh ảnh hưởng tới hoạt động điều hòa.
5. Lắp dàn nóng ở bên trong nhà
Thông thường, do lo lắng dàn nóng điều hòa lắp đặt ngoài trời nhanh hỏng nên nhiều người lựa chọn lắp cục nóng bên trong ngôi nhà. Tuy nhiên, cục nóng có vai trò chính là tỏa nhiệt nên bạn không nên lắp đặt cục nóng trong nhà.
Cục nóng điều hòa có nhiệt lượng tỏa ra sẽ khiến không khí nóng lên trong phòng. Lúc này dàn lạnh hoạt động sẽ phải hoạt động liên tục trong công suất lớn, tiêu tốn nhiều điện năng.
Đối với lắp dàn lạnh điều hòa
Dàn lạnh là bộ phận được lắp đặt bên trong ngôi nhà vì vậy khi lắp đặt cần đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn phòng nhưng chức năng chính là làm mát, điều hòa không khí trong phòng không bị ảnh hưởng.
1. Lắp dàn lạnh sát trần
Dàn lạnh nếu lắp đặt sát trần quá sẽ làm cửa gió hồi bị cản trở, tổn thất áp suất lớn, lưu lượng giảm gây tiếng ồn và điện tiêu thụ tăng, hiệu suất giảm.
Dàn lạnh nên được lắp đặt ở độ cao cách nền nhà từ 2,8-3m, cách trần nhà ít nhất 30cm. Khi lắp đặt dàn lạnh ở độ cao này, khí lạnh từ điều hòa mới được phân phối đều khắp phòng
2. Lắp dàn lạnh ở góc tường
Nhiều người cho rằng lắp điều hòa ở góc tường sẽ giúp nhanh chóng giảm nhiệt và tạo không khí thoáng mát cho căn phòng. Tuy nhiên, đây là cách làm hoàn toàn sai lầm. Nhiều chuyên gia cho biết, lắp điều hòa ở góc tường nóng sẽ khiến điều hòa vận hành quá tải, chạy tốn điện hơn bình thường.
Do đó, người dùng nên lắp máy ở những nơi có vị trí mát mẻ, thoáng đãng và nằm ở trung tâm căn phòng. Có thế, nhiệt độ trong phòng mới có thể giảm nhanh, sau đó từ từ làm mát ở các khu vực tụ nhiều hơi nóng như bề mặt tường, góc nhà.
3. Lắp dàn lạnh gần cửa sổ
Khi lắp dàn lạnh trong nhà, cần lắp ở nơi thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp, gần các nguồn phát nhiệt để tránh điều hòa phải hoạt động với cường độ cao, gây tốn điện.
Tránh lắp dàn nóng ở vị trí quá cao hoặc quá thấp, thuận tiện cho việc vệ sinh và bảo trì, qua đó giúp điều hòa hoạt động ổn định, phân bố hơi lạnh đồng đều khắp phòng.
4. Lắp dàn lạnh chung cho 2 phòng
Nhiều người cho rằng 2 phòng diện tích nhỏ nếu lắp một điều hòa chung và đặt ở giữa thì sẽ tiết kiệm được tiền mua máy điều hòa, công lắp đặt hay tiền điện.
Tuy nhiên, dùng 1 điều hòa chung cho 2 phòng thì quá trình làm mát sẽ chậm hơn, tiêu tốn nhiều tiền điện hơn. Nguyên nhân là do các cục lạnh của điều hòa thường có dạng cánh quạt để thổi luồng không khí mát từ dàn lạnh ra bên ngoài. Khi lắp điều hòa chia đôi 2 phòng, phần gió từ cánh quạt sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách, dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh.