Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục xác định ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp “tay ngang” đầu tư vào điện gió, điện mặt trời đã gặt hái được tiền tỉ mỗi tháng, thậm chí doanh thu từ điện cao hơn cả lĩnh vực kinh doanh truyền thống.
Đơn cử, Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) vốn là một công ty chuyên về bất động sản nhưng cũng đã rót hàng nghìn tỉ đồng vào năng lượng tái tạo và đang ghi nhận lại doanh thu lớn.
Từ năm 2006, Hà Đô bước chân vào lĩnh vực năng lượng khi khởi công đầu tư nhà máy thủy điện Za Hưng. Đến nay, doanh nghiệp đã làm đầu tư và làm chủ vận hành 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện gió với tổng công suất lên đến gần 500 MW, là một trong ít công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý 1/2023, năng lượng đang (thủy điện và điện mặt trời) là mảng kinh doanh cốt lõi của Hà Đô và đóng góp gần 57% vào lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khi mang về 543 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ lĩnh vực điện của doanh nghiệp này tăng thêm hơn 65 tỉ đồng.
Trước đó, BCTC năm 2022 của Hà Đô cũng cho thấy doanh thu từ lĩnh vực điện đạt hơn 2.115,6 tỉ đồng, tăng hơn 65% so với năm 2021 và cũng chiếm gần 60% tổng doanh thu của công ty. Bình quân mỗi tháng, Hà Đô thu về được hơn 176 tỉ đồng từ lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện, cao hơn số thu từ lĩnh vực kinh doanh truyền thống là bất động sản.
Chứng khoán VNDirect dự phóng, doanh thu ước tính năm 2023 của Hà Đô đạt 4.466 tỉ đồng, tăng 18% so với mức kế hoạch năm 2022 và lợi nhuận gộp đạt 3.015 tỉ đồng, tương đương tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, mảng năng lượng vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Lãnh đạo Hà Đô cho biết, trong giai đoạn bất động sản khó khăn như hiện tại, năng lượng đang là hướng phát triển đầy tiềm năng. Hà Đô đã rất tâm huyết đầu tư vào năng lượng và xác định năng lượng sẽ là mảng cốt lõi của công ty.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM) công bố BCTC quý 1/2023 với doanh thu từ bất động sản chỉ đạt 32 tỉ đồng, giảm hơn 71% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ điện mặt trời đạt 196 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó cả năm 2022, điện mặt trời cũng mang lại cho Tập đoàn Sao Mai gần 609 tỉ đồng, tăng hơn 15 tỉ đồng so với năm 2021. Như vậy, bình quân mỗi tháng trong năm vừa qua, doanh nghiệp này bỏ túi được gần 51 tỉ đồng từ điện mặt trời.
Ngoài các nhà máy đã đưa vào vận hành, Tập đoàn Sao Mai còn đang đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk, dự án điện mặt trời tại An Giang...
Tương tự, CTCP Fecon (mã chứng khoán: FCN) công bố doanh thu mảng điện năm 2022 đạt gần 143 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021, tương đương mỗi tháng thu được gần 12 tỉ đồng. Kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo cũng được công ty xác định là 1 trong 3 hoạt động chính bên cạnh đầu tư dự án đô thị - khu công nghiệp và hạ tầng giao thông.
Hay với CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG), một tập đoàn đa ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng, tài chính... cũng không nằm ngoài cuộc chơi và đã có những bước đầu tiên vào mảng năng lượng sạch này.
Hiện Bamboo Capital đang là cái tên đáng chú ý khi sở hữu 4 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió. Mới đây, Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ của Bamboo Capital đã về đích đầu tiên khi trở thành dự án chuyển tiếp được công nhận vận hành thương mại (COD) sớm nhất trong các dự án chuyển tiếp.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp bất động sản cũng đang quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tại đại hội cổ đông thường niên 2 năm trước, lãnh đạo CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cho biết đã và đang nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt để một khi được triển khai, mỗi dự án đều phải đảm bảo tính chắc chắn và hiệu quả.
Lãnh đạo Phát Đạt khẳng định: “Chúng ta sẽ bổ sung ngành nghề năng lượng tái tạo”.