Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng

Nhật Quang

24/02/2023 09:36

Theo dõi trên

Chiều 21/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác giữa ba Tập đoàn.

doanh-nghiep-trong-linh-vuc-nang-luong-pld-1677205474.jpg

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. Về phía Ủy ban, có đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Ủy ban. Về phía Bộ Công Thương, có đại diện lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Bộ.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo EVN cho biết: Năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 242,7 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 6,25%, giảm 0,2% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó Chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối (SAIDI) giảm còn 267 phút, giảm 52 phút so với năm 2021.

Căn cứ Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022 của Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023, EVN đã xây dựng phương án đảm bảo điện và đang tổ chức thực hiện với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục ở mức cao nhất. Đồng thời, EVN cũng xây dựng kịch bản cung ứng điện với nhu cầu phụ tải tăng cao để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.

Về phía Petrovietnam, năm 2022, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021. Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, tăng 26% so với năm 2021. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, tương đương với mức thực hiện năm 2021.

Đáng chú ý, Petrovietnam đã hoàn thành đưa vào khai thác 05 mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch. Tất cả 5 mỏ/công trình hoàn thành đưa vào vận hành đều sớm hơn so với kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng.

Tháng 01/2023, hoạt động tại tất cả các đơn vị/công trình/nhà máy/giàn khoan của Petrovietnam đều an toàn, thông suốt, giúp sản lượng khai thác dầu tháng đạt 0,88 triệu tấn, vượt 11,2% kế hoạch tháng. Hoạt động đầu tư được triển khai tích cực, kể cả trong những ngày nghỉ Tết.

Đối với TKV, năm 2022 cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, khi doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 165,9 nghìn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch và bằng 119% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận toàn Tập đoàn dự kiến đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,35 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Sản lượng than sạch thành phẩm toàn TKV đạt 42,2 triệu tấn, bằng 108,6% kế hoạch năm và bằng 102,8% so với thực hiện năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Tập đoàn cũng còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo EVN, Petrovietnam, TKV đã trình bày các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và đề xuất những giải pháp, kiến nghị đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023. Các kiến nghị đã được lãnh đạo Ủy ban và Bộ Công Thương lắng nghe, giải đáp; đồng thời đại diện các Cục, Vụ chức năng của hai cơ quan cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các kiến nghị; một số kiến nghị được ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

chu-tich-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-pld-1677205474.jpg
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có những cơ chế phối hợp và cùng nhau giải quyết những tồn tại khó khăn. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đánh giá: Ủy ban và Bộ Công Thương đã phối hợp khá nhịp nhàng nhưng có lúc, có nơi vẫn còn sự chậm trễ. Sau buổi làm việc này, Ủy van và Bộ sẽ có thêm nhiều cuộc trao đổi, làm việc hơn nữa cùng phối hợp tốt hơn, đưa ra những cơ chế, chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Ủy ban và Bộ Công Thương sẽ cùng có những ý kiến chỉ đạo các Tập đoàn triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực của EVN, Petrovietnam và TKV trong việc phối hợp đảm bảo cung cấp các nguồn năng lượng quan trọng (điện, dầu khí và than) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh các Tập đoàn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho các ngành năng lượng tăng cao…

Liên quan đến kiến nghị của các Tập đoàn đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, tập trung tháo gỡ các vấn đề về đầu tư xây dựng, giá điện và giá nhiên liệu cho sản xuất điện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…, trong đó nêu rõ nội dung cần thực hiện, tiến độ thực hiện và đơn vị chủ trì thực hiện; đồng thời giao các Cục/Vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với EVN, Petrovietnam và TKV triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra, kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết hoặc báo cáo cấp thẩm quyền cao hơn để xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các Tập đoàn EVN, Petrovietnam, TKV cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần tất cả vì mục tiêu chung để tăng cường cơ chế phối hợp nhằm giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau; phối hợp thực hiện minh bạch, hiệu quả các hợp đồng đã ký kết để cùng đồng hành phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các Tập đoàn kinh tế nhà nước và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

bo-truong-bo-cong-thuong-pld-1677205473.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao 6 nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn bao gồm:

Thứ nhất, trong mọi tình huống các Tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ). Để làm được điều đó các Tập đoàn cần nghiên cứu kỹ để báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Thứ hai, mỗi Tập đoàn cần tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình, hoặc của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tham mưu đề xuất với lãnh đạo hai cơ quan kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cần có giải pháp xử lý kịp thời, dứt điểm và có kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa các Tập đoàn với nhau một cách chân thành, thực chất; đồng thời, cần phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chỉ đạo, khuyến nghị của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ ba, mỗi Tập đoàn cần bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục chú trọng tiết kiệm chi thường xuyên, tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối đa hiệu quả các công trình, dự án có tiềm năng. Đẩy nhanh, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do hoặc đã có ký kết hợp tác với các Bộ, ngành chức năng.

Thứ tư, nghiêm túc và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã chỉ ra trong các thông báo, kết luận, văn bản chỉ đạo và trả lời các kiến nghị; đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong kết luận tại hội nghị này. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh thì cần kịp thời phản ánh, đề xuất đến hai cơ quan (Bộ và Ủy ban) để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

Thứ năm, từ hoạt động thực tiễn của mình, mỗi Tập đoàn cần chủ động phát hiện những bất cập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, với những việc khó, việc mới cũng cần mạnh dạn đề xuất cơ chế thí điểm nhưng lại có kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác.

Thứ sáu, phải chú trọng, làm thật tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin cho các cơ quan truyền thông chính thống, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các Tập đoàn, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhau tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn để cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và trên hết là vượt khó để thực hiện được các mục tiêu mà mỗi Tập đoàn đề ra cũng như thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

*Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

pho-chu-tich-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-pld-1677205473.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại buổi làm việc
thu-truong-bo-cong-thuong-pld-1677205474.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc
vu-truong-vu-phap-che-pld-1677205474.jpg
Bà Đặng Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc
pho-vu-truong-phu-trach-vu-nang-luong-pld-1677205473.jpg
Ông Hà Văn Thắng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Năng lượng (Ủy ban) phát biểu tại buổi làm việc
dai-dien-lanh-dao-petrovietnam-pld-1677205473.jpg
Đại diện lãnh đạo Petrovietnam báo cáo tại buổi làm việc
dai-dien-lanh-dao-evn-pld-1677205474.jpg
Đại diện lãnh đạo EVN báo cáo tại buổi làm việc
dai-dien-lanh-dao-tkv-pld-1677205473.jpg
Đại diện lãnh đạo TKV báo cáo tại buổi làm việc

Bạn đang đọc bài viết "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com