Doanh nghiệp kỳ vọng báo chí chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế

Linh Thùy

15/07/2021 10:16

Theo dõi trên

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông hiệu quả nhất trong việc phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân giúp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, hiện nay là thời điểm thích hợp để có thể đẩy mạnh đột phá về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và kỳ vọng, báo chí sẽ chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế.

Ngày 8/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” và Lễ phát động chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân – Doanh nghiệp và Môi trường kinh doanh (lần thứ IX).

Tham dự Diễn đàn có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí, doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu từ VCCI, hiện nay 87,2% doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.

Anh 2
Quang cảnh Diễn đàn)

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, trong bối cảnh ấy, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời trong phòng chống COVID-19, trong đó có duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho an sinh xã hội và trợ giúp cho doanh nghiệp đã và đang bước đầu phát huy tác dụng.

Việc kiên trì mục tiêu kép với mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% và lạm phát dưới 5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, những chính sách của Chính phủ nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đã tạo được niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Để có được niềm tin đó theo ông, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng.

Anh 3
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn)

Báo chí đã phát huy vai trò tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần vào cuộc chiến toàn dân "chống dịch như chống giặc" mà Chính phủ đưa ra. Đặc biệt, tiếng nói của doanh nghiệp được báo chí lắng nghe, đồng cảm và phản ánh một cách trung thực, kịp thời, qua đó giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người lao động ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu để cổ vũ, biểu dương và bảo vệ doanh nghiệp, tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp.

Anh 4
Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương)

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, báo chí đã trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả nhất trong việc phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân giúp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động kinh doanh.

"Báo chí là nơi tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để đề đạt với cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho chủ thể kinh tế sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức thực hiện. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan Nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.

Tiếng nói thúc đẩy cải cách thể chế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi doanh nghiệp với việc hỗ trợ bằng tài khoá, tín dụng,… Nhưng do giới hạn về nguồn lực và áp lực cân bằng vĩ mô, giải pháp này cũng là hữu hạn. Những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục,… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển.

“Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng báo chí hãy chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá trong vấn đề này. VCCI đã và đang có nhiều đề xuất để triển khai tổng rà soát những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật để sửa chữa, bổ sung. Thực tế, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp chia sẻ cần cơ chế hơn là tiền”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phía các doanh nghiệp cũng cần tự soi trong “chiếc gương” báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Song song với thúc đẩy cải cách thể chế, báo chí cũng góp phần định hướng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực hội nhà báo Việt Nam cho rằng, "Hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại là thời điểm mà báo chí cần cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường và đầu tư để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tận dụng được các cơ hội, từ đó sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19”.

Anh 1
Diễn đàn trực tuyến “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi”)

Cũng theo ông Lợi, thời điểm hiện tại là thời điểm mà các tấm gương tốt, các cách làm hay cần được biểu dương.

“Không chỉ về các vấn đề liên quan đến người tốt, việc tốt. Chúng ta nêu những mặt tốt thì những sai phạm, những thiếu sót cần được báo chí phản ánh để từ đó có những sửa chữa, khắc phục”, ông Lợi nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia, diễn giả, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp và các lãnh đạo báo chí đã chia sẻ những quan điểm, vai trò của báo chí và doanh nghiệp trong quá trình phát triển; đồng thời nêu lên những quan điểm, góc nhìn và đề xuất những giải pháp để tạo sự đồng thuận đồng hành chung sức vì lợi ích chung của doanh nghiệp và báo chí.

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho biết, do tình hình COVID-19, các doanh nghiệp ở Hà Nội nói riêng đã khó khăn rất nhiều. Theo khảo sát của Hiệp hội đối với 1.500 doanh nghiệp thành viên, hiện nay có 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, 2,6% doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể. Chỉ có 1,4% các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết: “Sau khi chúng tôi biết Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7 về một số chính sách cho người lao động, đây là đòn bẩy để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi mong muốn đối với gói hỗ trợ này, Chính phủ có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, nhanh chóng, kịp thời, chính xác”.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp kỳ vọng báo chí chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com