Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trước thông tin 41 dự án BOT trên cả nước sẽ tăng phí từ ngày 29/12 tới đây.
Theo đó, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp dự án BOT về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ quản lý. Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án và trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan.
Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021 của Bộ GTVT và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án, trạm thu phí theo đúng quy định.
Còn phía Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đã tổ chức họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã thống nhất kế hoạch triển khai công tác điều chỉnh giá vé tại các trạm thu phí thuộc danh sách điều chỉnh giá vé.
Tại cuộc họp có 3 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiến nghị không điều chỉnh giá vé (trạm Cù Mông thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km 1747 thuộc Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148 – Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức Hợp đồng BOT). Trên cơ sở kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp số dự án điều chỉnh giá vé là 41 dự án/47 trạm thu phí.
Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai và niêm yết mức giá, thời điểm áp dụng mức giá mới theo quy định tại Thông tư số 45/2021 của Bộ GTVT; niêm yết mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công được điều chỉnh tại địa điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá, phí…
Đưa ra bình luận xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc tăng giá tại các dự án BOT nằm trong lộ trình điều chỉnh giá được quy định trong hợp đồng BOT. Vì vậy, trong quá trình Bộ GTVT lấy ý kiến, hiệp hội đã xem xét và “đồng tình việc điều chỉnh giá vé theo quy định pháp luật” nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp vận tải có xe khách chuyên tuyến Hà Nội – Lào Cai lại cho rằng, thời điểm này tăng giá vé của các dự án BOT là không hợp lý. Theo doanh nghiệp này, những năm qua, lượng ô tô tăng đột biến, đồng nghĩa với việc lưu lượng xe trên các tuyến cũng tăng nhanh và kéo theo doanh thu tăng. Song song đó, lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh hỗ trợ rất lớn cho khoản vay đầu tư của doanh nghiệp dự án.
Thêm vào đó, nhiều tuyến cao tốc đang xuống cấp, chất lượng không tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Nhiều tuyến cao tốc không đúng chuẩn cao tốc. “Chỉ căn cứ vào ba điều kiện này, giá vé tại các trạm BOT nên giảm chứ không phải điều chỉnh tăng”, doanh nghiệp này nói.
Dẫn chứng cụ thể ở tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đại diện doanh nghiệp này cho biết, lưu lượng xe tuyến này đang tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Điển hình là trong 06 tháng đầu năm 2023, lưu lượng xe trên tuyến này đạt 8,2 triệu lượt, tăng 22,7% so với năm 2022. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là đơn vị khai thác dự án vẫn được chấp thuận tăng phí.
Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về việc này, đại diện một số doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội và Vĩnh Phúc cũng cho biết, doanh nghiệp đang theo dõi mức điều chỉnh phí mới. Trường hợp nếu phí tăng cao, doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh giá vé, nếu không sẽ lỗ nặng.
Từ phía doanh nghiệp BOT, đại diện Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho rằng, từ khi thu phí cuối 2015 đến 2017 – 2018 theo kêu gọi của Chính phủ để giảm lạm phát, dự án đã giảm 25% phí, nhưng sau đó chưa tăng trở lại lần nào. Dự kiến lần tăng phí tới đây, dự án này sẽ tăng phí khoảng 18% (mức tối đa theo lộ trình tăng phí 3 năm/lần), doanh thu thu phí có thể tăng tương ứng.
Còn về việc các doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc tăng phí thời điểm này là không phù hợp, đại diện Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, nếu tăng phí thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải và người tham gia giao thông sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng chiều ngược lại nếu không tăng phí dự án thì các nhà đầu tư BOT và các ngân hàng cho vay đều bị ảnh hưởng.
“Hiện nay khoảng 70% doanh thu của các dự án BOT đều không đạt phương án tài chính, thậm chí có dự án BOT chỉ đạt 20 – 30% phương án. Ngân hàng và nhà đầu tư BOT sẽ “chết”, không hoàn vốn được. Doanh nghiệp vận tải hay ngân hàng, nhà đầu tư cũng là doanh nghiệp, cần có tiếng nói chung hài hòa”, đại diện Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ lý giải.