Theo giới thiệu từ phía Tập đoàn Danko, dự án Danko City có quy mô lên đến 39 ha thuộc đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng mức đầu tư lên đến 1.300 tỷ đồng.
Trong báo cáo tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Tập đoàn Danko cho biết, dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nên một số hạng mục dự án chưa được thi công. Cụ thể, đến nay còn 105 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án chưa được bố trí đất tái định cư nên chưa bàn giao mặt bằng, chưa nhận tiền bồi thường, một số hộ chưa phối hợp kiểm kê, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng (GPBM).
Để giải quyết những vướng mắc tại dự án Danko City, ông Lê Quang Tiến yêu cầu TP Thái Nguyên tập trung thực hiện ngay việc GPMB, hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư để có đất giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu nhà ở Cao Ngạn (TP Thái Nguyên). Đồng thời, tập trung rà soát, phân loại đối tượng bị ảnh hưởng, thực hiện các bước bồi thường, GPMB khu tái định cư. Lưu ý phương án tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Lê Quang Tiến cũng yêu cầu TP Thái Nguyên thực hiện công khai quy hoạch khu tái định cư để người dân được biết. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng thực hiện bàn giao mặt bằng theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên yêu cầu TP Thái Nguyên thực hiện chế độ báo cáo 2 lần/tuần về tiến độ thực hiện để kịp thời giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Xây dựng khi chưa được cấp phép
Được coi là dự án đầu tay của Danko khi nắm giữ vai trò Chủ đầu tư, mức đầu tư “khủng”. Nhưng từ khi bắt đầu xây dựng đến nay Danko City liên tục vướng phải những vấn đề về pháp lý, chưa có giấy phép xây dựng, ngang nhiên huy động vốn từ người mua, chưa được giao đất vẫn thi công…
Được biết, ngày 21/05/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư “dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên” và Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko là nhà đầu tư trúng thầu.
Theo quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Danko City, trong vòng 48 tháng, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án, cây xanh, các dãy nhà ở kết hợp thương mại cùng các hạng mục công trình công cộng. Quy hoạch được duyệt cũng bao gồm xây dựng khu nhà ở đô thị, nhà ở xã hội theo quy định về bố trí đất phù hợp tại dự án nhà ở thương mại.
Thời điểm đó, báo chí đưa tin, Sở Xây dựng Thái Nguyên cấp giấy phép xây dựng số 25/GPXD “dự án khu nhà ở Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên (giai đoạn 1, diện tích 47,22ha). Theo đó, nhà đầu tư được xây dựng tổng số 06 công trình là hệ thống giao thông, san nền; hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc và công trình cổng chính.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danko chỉ được phép xây dựng các hạng mục đã được nêu trong giấy phép xây dựng và trong phạm vi dự án. Ngoài ra theo quy định tại các điểm c, điểm e Khoản 2 Điều 89, Luật xây dựng 2014, chỉ có trường hợp công trình xây dựng tạm thười để phục vụ thi công xây dựng công trình chính hoặc Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì mới được xây dựng mà không cần xin thêm giấy phép nào khác.
Ngoài ra, Danko City còn vướng phải lùm xùm xoay quanh việc dự án chưa được cấp phép, các thủ tục pháp lý vẫn đang nằm trên giấy nhưng đã giao bán tràn lan trên các website hay trên mạng xã hội gây sốt đất ảo.
Mặc dù báo chí liên tục phản ánh về những sai phạm, vướng mắc liên quan đến dự án Danko City và các dự án khác như: dự án Khu đô thị chức năng đầu cầu cứng Sông Công, Khu nhà ở Bách Quang, Khu nhà ở đường 47; Khu nhà ở xóm Vàng và Khu nhà ở Phổ Yên đường vành đai 5... nhưng dường như Tập đoàn Danko vẫn đang “vờ” như không thấy, tiếp tục vướng sai phạm trong nhiều năm qua.