Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 (Kỳ 2): 8 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn

29/06/2023 09:41

Theo dõi trên

Kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt những khó khăn trên thị trường vốn chưa hoàn toàn tháo gỡ đòi hòi những giải pháp chính sách đồng bộ lẫn ứng phó của doanh nghiệp.

Sau khi nhận diện tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính – tiền tệ 6 tháng đầu năm 2023 và dự báo các kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023, đi cùng là dự báo về diễn biến lạm phát, để các chỉ tiêu vĩ mô có thể nghiêng về kịch bản tích cực với các biến số rủi ro thấp nhất, động lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và đạt kết quả vượt khó, Saigon Ratings kiến nghị tám nhóm giải pháp trọng tâm, đối với việc điều hành vĩ mô của Chính phủ và các Bộ Ngành chức năng trong 6 tháng cuối năm 2023.

can-phoi-hop-dong-bo-chinh-sach-tien-te-va-tai-khoa-pld-1688006297.jpg
Cần phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và tài khóa, trong đó chính sách tiền tệ cần từng bước nới lỏng một cách thận trọng, phối hợp đồng bộ với các công cụ khác nhằm giảm lãi suất cho vay, đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

8 nhóm giải pháp trọng tâm

Thứ nhất, đẩy nhanh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, hệ thống pháp luật và chính sách quản lý cho thị trường bất động sản (BĐS). Cụ thể, Chính phủ và Quốc hội cần khẩn trương xây dựng và xem xét thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần thúc đẩy thị trường BĐS điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, chú trọng và thực hiện hiệu quả chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của đa số người dân.

Thứ hai, Chính phủ và Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý và đưa vào vận hành Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Để xây dựng niềm tin, hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào tháng 7/2023. Saigon Ratings cho rằng, một sàn giao dịch chuyên biệt cho thị trường trái phiếu sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư trái phiếu dễ dàng tiếp cận, tăng tính thanh khoản và tăng tính minh bạch cho thị trường này. Đồng thời, Bộ Tài chính cần sớm ban hành chính sách quản lý vận hành, cơ chế điều hành và hoạt động giám sát cho sàn giao dịch trái phiếu nhằm đồng bộ phương thức giao dịch và vai trò của cơ quan quản lý trên thị trường trái phiếu. Trong đó, quan trọng nhất là những quy định liên quan đến Xếp hạng TPDN trước khi lên sàn giao dịch để ngăn chặn tình trạng “trái phiếu rác”, nâng cao chất lượng trái phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các Bộ, Ngành và các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa cao như hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, cảng hàng không, nhà máy điện và các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng khác. Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và các bên có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng; đồng thời cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai. Thêm vào đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả và cạnh tranh hơn.

Thứ tư, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Ngành liên quan cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ để đảm bảo thực hiện tốt nhiều mục tiêu: vừa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, vừa đảm bảo yêu cầu cân đối ngân sách và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần từng bước nới lỏng một cách thận trọng, phối hợp đồng bộ với các công cụ khác nhằm giảm lãi suất cho vay, đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ngoài ra, cần tiếp tục các chính sách cho phép giãn nợ, hoãn nợ, hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang đối mặt nhiều rủi ro, biến động khó lường.

Thứ năm, khôi phục và phát triển nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp. Dịch Covid – 19 cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian vừa qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và nhiều người lao động mất việc làm. Trong thời gian tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế quốc tế và trong nước thì các khu công nghiệp chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nhân lực. Chính vì thế, các địa phương cần khẩn trương tạo điều kiện, thu hút người lao động yên tâm làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế bằng cách cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho người lao động.

Thứ sáu, phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để có thể bảo vệ môi trường, môi sinh. Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu chủ đạo như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… v.v hiện nay đang ngày càng khắt khe đối với các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững (kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cấm nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ từ việc phá rừng, đánh bắt thủy sản trái phép v.v..). Chính vì thế, nỗ lực bảo vệ môi trường vừa giúp bảo vệ không gian sống và cũng là hỗ trợ công tác hòa nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế xanh bền vững.

Thứ bảy, đẩy mạnh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, năng suất lao động Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực (8,4% mức năng suất của Singapore, 23,1% của Malaysia, 41,5% của Thái Lan, 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philippinse). Lực lượng lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu, lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp mới chiếm khoảng 26,4% (tính đến quý I/2023). Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, là một nhiệm vụ rất cấp thiết để nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế

Cuối cùng, tiếp tục tham gia sâu rộng và tận dụng tối đa lợi ích của quá trình toàn cầu hóa. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ và tận dụng triệt để lợi ích của các hiệp định, nghị định, cam kết đã được Chính phủ ký kết, từng bước nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa đối tác, thị trường. Đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh một cách thực chất, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải cách thể chế theo các cam kết hội nhập đã ký kết để thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần cương quyết loại bỏ các vướng mắc, rào cản đối với việc thu hút chuyên gia nước ngoài, khách du lịch trong công tác cấp visa, giấy phép lao động, phát triển sản phẩm du lịch cũng như nâng cao chất lượng nhân sự ngành du lịch, nghỉ dưỡng.

Sáu khuyến nghị đối với các doanh nghiệp

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện công tác hoạch định chiến lược, dự báo trung và dài hạn, thích ứng hơn nữa trước các thách thức, khó khăn và biến động phức tạp, khó lường của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

doanh-nghiep-can-xay-dung-cac-kich-bao-du-bao-de-chu-dong-va-ung-pho-trong-hoat-dong-kinh-doanh-pld-1688006297.jpg
Doanh nghiệp cần xây dựng các kịch báo dự báo để chủ động và ứng phó trong hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Thứ hai, các doanh nghiệp chú trọng củng cố, phát triển thị trường nội địa đi đôi với từng bước mở rộng và đa dạng hóa các thị trường quốc tế tiềm năng.

Thứ ba, doanh nghiệp hết sức chú trọng quản trị các yếu tố rủi ro đến từ môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như từ hoạt động nội tại doanh nghiệp để đảm bảo phát triển một cách an toàn, hiệu quả và bền vững.

Thứ tư, từng bước hướng tới mục tiêu quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch; đồng thời điều phối một cách hiệu quả, công bằng các nguồn lực và đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Thứ năm, cần minh bạch thông tin hoạt động quản trị, quản lý và sức khỏe tài chính doanh nghiệp nhằm từng bước nâng cao chất lượng quản trị tổ chức, nâng cao khả năng thu hút các nguồn lực vốn phát triển trên thị trường và tăng cường hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, không ngừng xây dựng và phát huy các giá trị về uy tín, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế; bằng các cam kết vững bền về các giá trị cốt lõi, cam kết nghĩa vụ tài chính, chất lượng sản phẩm và trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 (Kỳ 2): 8 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn" tại chuyên mục Dịch vụ - Thị trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com