#kỷ nguyên mới

Sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khi khẩn cấp

Định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp khi ban hành cần được tính đúng, tính đủ các chi phí để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.
ngay-he-cua-tre-em-o-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-so-1-ha-noi-pld-1686821887.jpg
Ngày hè của trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức Childfund tổ chức hội thảo góp ý báo cáo nghiên cứu định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện nay ở nước ta, dịch vụ bảo vệ trẻ em nói chung và dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp nói riêng được thực hiện tại cộng đồng nơi trẻ em cư trú, hoặc tại cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội, văn phòng trị liệu tâm lý, mái ấm, nhà mở, nhà tình thương… gọi chung là cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em khá đa dạng và phong phú cho nhiều nhóm đối tượng trẻ em khác nhau.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn, Cục Trẻ em, các bộ, ngành, tổ chức và chuyên gia với tinh thần trách nhiệm cùng nhau phân tích, góp ý đối với dự thảo báo cáo, thảo luận về 5 thành phần cơ bản của định mức kinh tế-kỹ thuật. Đó là: định mức lao động; định mức vật tư; định mức máy móc, trang thiết bị; định mức khấu hao nhà sử dụng cung cấp dịch vụ; định mức chi phí điện nước, chi phí bảo vệ môi trường nhằm xây dựng được định mức kinh tế-kỹ thuật dựa trên quy trình thực hiện đến sản phẩm, dịch vụ cuối cùng cho các dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Cùng với đó, tính đúng, tính đủ các chi phí để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; bảo đảm thống nhất trong tính giá và chi phí của các dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế-kỹ thuật, bảo đảm tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và bảo đảm tính khả thi khi áp dụng bù đắp được chi phí thực tế phát sinh.

Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/6/2021, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ.

Tự chủ về tài chính mang tính quyết định để đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí) chính là yếu tố quan trọng trong nguồn tài chính của đơn vị.

tre-em-luon-la-nhom-doi-tuong-duoc-danh-nhieu-su-quan-tam-va-uu-tien-pld-1686821887.jpg
Trẻ em luôn là nhóm đối tượng được dành nhiều sự quan tâm và ưu tiên. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1225/QĐ-LĐTBXH ngày 29/10/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, giao Cục Trẻ em đề xuất ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2022, cả nước có khoảng 25 triệu trẻ em. Trong đó, có 141.256 trẻ em mồ côi, với 21.883 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ.

Trong số 21.883 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, hiện có 18.072 trẻ em đang được sống trong môi trường gia đình và 3.811 trẻ em đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Đặc biệt, trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em mồ côi do cha hoặc, mẹ, hoặc cả cha và mẹ đều bị tử vong do Covid-19, hiện có 4.386 trẻ em mồ côi do Covid-19, trong đó có 144 em mồ côi cả cha và mẹ, 4.242 em mồ côi cha hoặc mẹ, hiện nay các em đều đang được sống cùng gia đình hoặc người thân họ hàng.

Việc rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 đã được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có quy định hỗ trợ đối với trẻ em F0, F1.

Cụ thể như, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em điều trị do nhiễm Covid- 19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống Covid-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền 80.000 đồng/trẻ/ngày và hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em. Người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi.

Trong năm 2022, có hơn 468 nghìn trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế (F0, F1) đã được hỗ trợ với số tiền là khoảng 468 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Thêm vào đó là hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trẻ em mồ côi do Covid-19 từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Cụ thể, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/em. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ được hỗ trợ 5 triệu đồng/em. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ chết do Covid-19 được hỗ trợ sổ tiết kiệm với định mức 20 triệu đồng/sổ/trẻ em.

Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng tiền mặt và hiện vật.