Điều này đang khiến các doanh nghiệp du lịch lo lắng sẽ có nhiều thay đổi trong các tour nội địa.
Thông tư 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực từ 1/3, các doanh nghiệp du lịch như ngồi trên lửa bởi giá vé máy bay tăng đúng dịp trước thềm cao điểm du lịch 30/4 – 1/5 và cao điểm mùa hè sắp tới có thể gây tác động rất lớn tới ngành du lịch.
Lo ngại chi phí tour nội địa gia tăng
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc CTCP Dịch vụ đầu tư và du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) cho rằng, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 tất nhiên sẽ có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Tăng giá vé máy bay đồng nghĩa đẩy chi phí vận chuyển lên tới 50%, thậm chí 70% giá tour trọn gói. Như vậy, việc giá vé máy bay tăng cao sẽ bằng, thậm chí cao hơn cả giá land tour (tour trọn gói), khiến tour nội địa ngày càng đắt hơn tour nước ngoài.
Theo ông Nghĩa, các tour nội địa bị ảnh hưởng nặng nhất là từ TP.HCM, Hà Nội đi Đà Nẵng/Hà Nội/Quy Nhơn/Tuy Hoà/Phú Quốc,… Giá tour TP.HCM – Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng cho hành trình 3 ngày 2 đêm, khách sạn 4 sao khoảng 3,5 triệu đồng, thêm vé máy bay khứ hồi cho một khách hết 3-3,5 triệu đồng, tính ra giá tour trọn gói lên tới 6-7 triệu đồng. Nhưng hiện nay, giá vé máy bay còn cao hơn giá tour rất nhiều khi lên tới 4-5 triệu đồng/vé khứ hồi nếu đi đoàn tầm 20 đến 30 khách.
“Với chi phí này, tour nội địa chắc chắn có giá cao hơn tour quốc tế tới các địa điểm như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc,…Điều này sẽ tiếp tục làm suy giảm lượng du khách nội địa và gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong nước” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – CEO AZA Travel cho biết, các đại lý doanh nghiệp lữ hành không còn dám ôm nhiều vé mà cân nhắc lấy xêri vé máy bay đến những điểm hút khách, khách không có nhiều lựa chọn về phương tiện đi lại.
“Nhìn lại dịp lễ 30-4 năm ngoái, giá vé máy bay tăng cao rồi đột ngột giảm sâu khiến doanh nghiệp và khách du lịch bị động, suy giảm niềm tin… dẫn tới một số điểm đến vắng khách. Cùng với biến động về giá vé tiếp tục xảy ra trước cao điểm hè năm nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành chúng tôi và khách hàng băn khoăn hãng bay liệu có lặp lại “bệnh cũ” trong hè năm nay” – CEO Aza Travel nhận định.
Làm mới tour du lịch đường bộ
Không đợi đến giá vé máy bay điều chỉnh thời gian tới mà từ năm ngoái tại hãng lữ hành này, khách du lịch đường bộ đã có xu hướng tăng. Trong quý 1/2024 đã có 60% khách chọn du lịch bằng đường bộ, đa phần các tuyến từ đầu Hà Nội đến Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Sầm Sơn, trong đó đặc biệt là các điểm du lịch phía bắc vẫn giữ được sức hút riêng.
Để “xoay sở” trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần liên tục làm mới, đa dạng hoá các sản phẩm tour du lịch đường bộ, đường sắt để giảm thiểu chi phí tour, hấp dẫn du khách lựa chọn.
Đại diện Vietfoot Travel chia sẻ giải pháp ngay lúc này là cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương, các quốc gia trọng điểm về du lịch. Qua đó hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, để tránh phải tăng giá do ảnh hưởng của giá vé trần điều chỉnh, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng cho biết sẽ có chính sách khuyến khích khách hàng đặt vé sớm, giúp họ dễ hoạch định kế hoạch trong đặt seri-booking giá đoàn tốt hơn.
Qua đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng trước những tín hiệu “không mấy tích cực” trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và sắp tới là cao điểm hè, hy vọng ngành hàng không và du lịch sớm tìm được “tiếng nói chung”, cùng cân bằng lợi ích và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
“Giao thông là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất của ngành du lịch nói riêng cũng như cả nền kinh tế nói chung. Cả doanh nghiệp và các điểm đến đều đã bắt đầu phải nghĩ cách xoay chuyển để duy trì nguồn khách. Doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ nên có phương án bình ổn giá vé máy bay như giảm thuế, phí, hạ nhịp tăng giá để phục hồi và thúc đẩy sự phát triển của du lịch nội địa, tăng tốc tiến gần hơn mục tiêu khai thác hiệu quả, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2024” – CEO AZA Travel nhấn mạnh.
Du lịch và hàng không là hai ngành có mối quan hệ gắn bó mật thiết, song hành cùng sự phát triển của du lịch Việt Nam. Để hài hoà lợi ích thì rất cần “cái bắt tay” giữa hai ngành.