EVFTA: Cầu nối thương mại Việt Nam - EU

Bất chấp dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đã đạt 27 tỷ USD. Đây là mức tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu.
Ngày 30/7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức hội thảo trực tuyến đánh dấu một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả gồm: Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham; ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU; Tiến sĩ Carsten Schittek - Đại biện lâm thời, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; và ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương.

Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa đánh giá về 12 tháng đầu tiên thực thi Hiệp định và bình luận về các cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Trong đó, khẳng định tầm quan trọng của hiệp định này đối với tương lai quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đồng thời đề xuất hợp tác và đối thoại nhiều hơn nữa để đảm bảo việc thực thi hai Hiệp định diễn ra suôn sẻ và thành công.

evfta cau noi thuong mai viet nam eu
Cà phê là một trong các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD. Đây là mức tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực sau khi hiệp định này được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê… trong khi các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

Ngoài cắt giảm thuế quan, EVFTA còn hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, cải cách luật pháp và phát triển bền vững. Trong khi đó, hiệp định mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư của EU trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như giáo dục đại học, dịch vụ máy tính, phân phối, viễn thông.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương cho rằng, trong kết quả xuất khẩu khả quan của Việt Nam sang EU nửa đầu năm 2021 có sự góp sức quan trọng từ EVFTA. Đồng thời nhấn mạnh, chính sách EVFTA đã mang lại những tác động tích cực bước đầu, quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh COVID-19.

Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, EVFTA mang lại thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, Việt Nam là một trong hai nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện FTA với EU, nên có thêm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này.

evfta cau noi thuong mai viet nam eu
Dệt may có thể là minh chứng tốt cho tác động tích cực của EVFTA.

Nếu nhìn từ ngành hàng cụ thể, dệt may có thể là minh chứng tốt cho tác động tích cực của EVFTA. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, kết quả này rất khả quan và ngành dệt may Việt Nam đã có tăng trưởng bứt phá. Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD.

Bên cạnh những kết quả tích vực về thương mại đầu tư song phương, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức. Kết quả Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (Business Climate Index - BCI) mới nhất cho thấy, gần 2/3 số công ty cho biết đã được hưởng lợi từ EVFTA tuy nhiên họ cũng chỉ ra khó khăn trong các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính và hàng rào kỹ thuật thương mại.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết: Hiện tại, các nước trên thế giới đều đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua EVFTA. Trên thực tế, Hiệp định đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, một khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại và phục hồi.

Cũng như vắc xin sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về y tế - sức khỏe; thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ sẽ giúp chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu về kinh tế. Đối với Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, EVFTA sẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất. Giờ đây khi Hiệp định đã được thực thi, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.

Theo đó, để có thể phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, hai bên cần phải cùng nhau hợp tác. “EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Việc Hiệp đinh thực thi chưa phải là kết quả cuối cùng. Chúng ta cần duy trì nỗ lực trong thập kỷ tiếp theo tương tự như những gì chúng ta đã làm suốt 10 năm qua” – ông Alain Cany khẳng định.