Giá nguyên liệu “chỉ lên không xuống”, Hòa Phát và các nhà sản xuất khác phải tăng giá thép để bù lỗ

Tiêu thụ giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nhiều khiến các nhà máy thép trong nước buộc phải tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tình hình trong 2 tháng đầu năm của thị trường thép vẫn còn rất ảm đạm. Mặc dù các số liệu thống kê đều cho thấy sự tăng trưởng trong tháng 2/2023, song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

hoa-phat-phai-tang-gia-thep-xay-dung-de-bu-lo-trong-boi-canh-gia-nguyen-lieu-tang-cao-pld-1679131940.jpeg
Hòa Phát phải tăng giá thép xây dựng để bù lỗ trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao

Cụ thể, trong tháng 2, sản xuất thép thô nội địa đạt 2,35 triệu tấn, tăng 22% so với tháng trước, nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại trong giai đoạn này đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,1% so với tháng trước, nhưng giảm 19% so với tháng 2/2022.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,28 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép cũng giảm mạnh 23,2% so với 2 tháng đầu năm 2022, ở mức 3,85 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu chỉ đạt 1 triệu tấn, giảm 10%.

Tăng giá để bù lỗ

Liên quan đến giá cả, VSA cho biết các doanh nghiệp thép khu vực miền Nam đã rục rịch thông báo tăng giá bán thép. Sau điều chỉnh, giá bán thép xây dựng hiện nay tại thị trường miền Nam tăng 5 - 6% so với tháng cuối năm 2022. Nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng theo.

Gần đây nhất, Thép Miền Nam đã có thông báo gửi tới khách hàng về việc điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tấn với cả hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 từ ngày 8/3. Sau điều chỉnh, giá bán mới nhất của hai loại thép này lần lượt là 16,81 triệu đồng/tấn và 16,76 triệu đồng/tấn.

Trước đó, Hòa Phát cũng thông báo tăng giá bán thép cây thêm 200.000 đồng/tấn. Hiện giá thép Hòa Phát đang ở mức 15,96 triệu đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và 15,84 triệu đồng một tấn với thép D10 CB300.

Các thương hiệu như thép Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật cũng bán quanh 16 triệu đồng một tấn. Riêng Pomina từ giữa tháng 2 đã nâng giá bán loại CB240 thêm 1 triệu đồng/tấn, lên mức 17,57 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 1,02 triệu đồng/tấn, lên thành 17,6 triệu đồng/tấn.

VSA nhận định tiêu thụ thép xây dựng sau Tết vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng do thị trường bất động sản trì trệ cùng với việc hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng. Giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.

Tuy nhiên, các bước tăng giá thời gian qua tại thị trường thép xây dựng nội địa của Việt Nam là tương đối khiêm tốn và thận trọng so với thế giới.

bieu-do-gia-nguyen-lieu-san-xuat-thep-pld-1679131940.png

Theo đó, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/3 giao dịch ở mức khoảng 331 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với đầu tháng 2. Mức giá than cốc cao nhất ghi nhận vào hồi cuối quý 1/2022 và đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022.

Giá thép phế liệu liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 7/3 giữ ở mức 448 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với đầu tháng 2. Trong khi giá thép phế nội địa điều chỉnh giảm nhẹ 200.000 đồng/tấn và giữ mức 9,4 – 11,1 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thị trường than điện cực graphite dự kiến sẽ ghi nhận các xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, giá cho các điện cực giữ ở mức ổn định. 

Với mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC - nguyên liệu chính trong sản xuất tôn mạ hiện đang giao dịch ở mức 643 USD/tấn trong ngày 7/3, tặng 24 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2 trước đó. VSA cho rằng, thị trường thép cán nóng HRC thế giới biến động khiến thị trường HRC trong nước gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng thép HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt loại 62%Fe dùng trong sản xuất thép đang giao dịch ở mức 125,1-125,6 USD/tấn tại thời điểm ngày 7/3, giảm nhẹ khoảng 1,15 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2.

VSA cho rằng, 2 tháng đầu năm 2023, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng, trong khi thị trường trầm lắng và nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế thấp tiếp đà lao dốc của nửa cuối năm 2022.

Thời gian tới, áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng. Trong khi đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho ngành.