Hé mở những "ông lớn" đứng sau các dự án thép nghìn tỉ ở Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An

Hữu Việt

05/03/2023 14:33

Theo dõi trên

Với lợi thế về cảng biển nước sâu và chi phí nhân công thấp, khu vực miền Trung đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp thép với các dự án quy mô lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng.

Bùng nổ các dự án thép nghìn tỉ

Thời gian gần đây, một loạt các dự án thép quy mô hàng nghìn tỉ đồng vừa được chấp thuận đầu tư tại các tỉnh miền Trung. Sau Quảng Trị, Bình Định, các doanh nghiệp tiếp tục đổ vốn để xây nhà máy thép tại Nghệ An và mới đây là Thanh Hóa.

thi-truong-thep-mien-trung-pld-1678001326.png
Các doanh nghiệp đổ vốn làm loạt siêu dự án từ vài nghìn đến hàng chục nghìn tỉ đồng khiến thị trường thép tại miền Trung “nóng” hơn bao giờ hết

Dự án thép 5.500 tỉ tại Thanh Hóa

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa chấp thuận chủ trương đầu tư được cho Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn thực hiện dự án nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn.

Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng hoảng 51ha thuộc khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo thiết kế, nhà máy sẽ sản xuất 980.000 tấn/năm cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu; 30.000 tấn sản phẩm kết cấu thép/năm; 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.000 tỉ đồng; còn lại 4.500 tỉ đồng vốn huy động ngân hàng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất…

thep-dst-nghi-son-pld-1678001326.png
Cơ cấu cổ đông Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn

Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn có trụ sở đóng tại KCN số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 22/7/2022 do ông Nguyễn Mạnh Hùng là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc. Ngoài ra, ông Hùng còn đang là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc cho Tập đoàn DST Group.

Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng với cơ cấu cổ đông gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn DST Việt Nam (30%), Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (15%), Công ty Cổ phần Ống thép Thuận Phát (20%), Công ty Cổ phần Tập đoàn VJCO (20%), Công ty Cổ phần Kim khí Quốc tế Việt Nhật (15%).

Theo tìm hiểu, Tập đoàn DST Việt Nam (DST Group) là tập đoàn đa ngành thành lập từ năm 2001 và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép cán nguội, thép mạ kẽm, ống thép, chế tạo lắp đặt kết cấu thép cho các công trình công nghiệp và dân dụng ở Việt Nam. Ngoài ra Tập đoàn DST Việt Nam còn đầu tư, kinh doanh các dự án bất động sản công nghiệp và đô thị và khai thác chế biến khoáng sản.

Dự án thép 1.280 tỉ tại Nghệ An

Tại Nghệ An, Sở KH&ĐT Nghệ An cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh về việc rà soát hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép và dây cáp điện Việt Á tại CCN Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa.

Dự án này do Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại, công nghiệp Việt Á (Việt Á Group) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 1.128 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn vốn vay ngân hàng.

Được biết, diện tích đất đề xuất sử dụng dự kiến khoảng 8,27ha. Trong đó, tổng diện tích xây dựng dự kiến khoảng 4,23ha (mật độ xây dựng dự kiến 51,22%), diện tích đất còn lại dành cho sân bãi, giao thông nội bộ, cây xanh, cảnh quan và các công trình phụ trợ khác.

Phía Việt Á Group cho biết, mục tiêu đầu tư của dự án này là sản xuất kết cấu thép, cột thép cho các công trình điện, truyền tải cao thế; cột điện chiếu sáng; cột viễn thông; sản phẩm cơ khí các loại; cấu kiện phi tiêu chuẩn; sản xuất các loại dây và cáp điện… với sản lượng 10.000 tấn/năm đối với dây cáp điện và 20.000 tấn/năm đối với sản phẩm cơ khí, kết cấu thép các loại.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Việt Á Group (có trụ sở tại Tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), được thành lập vào tháng 4.2005, do bà Phạm Thị Loan làm người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty. Ngoài đại diện cho doanh nghiệp này, bà Loan còn đại diện cho Công ty TNHH Cáp Điện Việt Á, Công ty TNHH Cơ điện Việt Á.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại, công nghiệp Việt Á thành lập ngày 26.4.2005, có trụ sở chính tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây lắp các thiết bị điện, điện tử, cơ khí, Việt Á Group cũng tham gia xây dựng khá nhiều dự án, công trình ngành điện.

Tập đoàn Việt Á được biết đến là một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xây lắp các thiết bị điện, điện tử, cơ khí. Việt Á cũng tham gia xây dựng khá nhiều dự án công nghiệp và công trình ngành điện.

Tại ngày 17.11.2021, Việt Á Group tăng vốn điều lệ từ 189 tỉ đồng lên hơn 270,6 tỉ đồng. Đến 20.9.2022, Tập đoàn này tăng vốn điều lệ hơn 40% lên 380 tỉ đồng và không rõ cổ đông sáng lập.

Trong vài năm gần đây, Việt Á Group đã tham gia 150 gói thầu, trong đó trúng 30 gói, trượt 85 gói, 23 chưa có kết quả, 12 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu hơn 742.241 tỷ đồng. Các tỉnh Việt Á Group đã tham gia dự thầu như: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Ninh Thận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Phước, Bạc Liêu, Bình Thuận...

Ngoài ra, Việt Á Group cũng thực hiện 4 gói thầu do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung mời thầu với tổng số tiền hơn 245,5 tỉ đồng; 4 gói do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam - CN Tổng công ty truyền tải điện quốc gia mời thầu với giá trị hơn 223,7 tỉ đồng.

Gần đây nhất, Việt Á trúng gói thầu số 6: Xây lắp từ vị trí điểm đầu đến vị trí T23 (đoạn ĐĐ - G4) do Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư với giá trúng thầu gần 106 tỉ đồng. Một gói do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc – CN Tổng công ty truyền tải điện quốc gia với giá trị trúng thầu hơn 68,5 tỉ đồng.

Dự án thép 53.500 tỉ tại Bình Định

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

long-son-phu-my-pld-1678001326.jpeg
Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn

Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 486ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỉ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép cơ khí chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn.

Về chủ đầu tư dự án, Công ty CP Gang Thép Long Sơn Phù Mỹ được thành lập ngày 5.7.2021, trụ sở chính hiện ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT là ông Trịnh Quang Hải.

Theo tìm hiểu, ngành nghề chính của công ty là sản xuất sắt, thép, gang. Vốn điều lệ khi mới thành lập là 100 tỉ đồng, cơ cấu sáng lập là Công ty TNHH Long Sơn góp 96 tỉ đồng (chiếm 96% vốn) và ông Nguyễn Trung Thành góp 2 tỉ đồng (chiếm 2% vốn).

Về Công ty TNHH Long Sơn (Công ty Long Sơn), đây cũng là công ty của đại gia Trịnh Quang Hải. Công ty được thành lập ngày 19.9.2001 với vốn điều lệ 135 tỉ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 11.2022, vốn điều lệ Công ty Long Sơn tăng lên hơn 2.213 tỉ đồng, trong đó ông Trịnh Quang Hải góp 1.922 tỉ đồng (chiếm 87% vốn điều lệ).

Ngoài ra, Công ty Long Sơn được biết là chủ đầu tư Nhà máy Xi măng cùng tên nổi tiếng tại Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 3.960 tỉ đồng, đi vào hoạt động cuối năm 2016.

Trước đó, thị trường thép miền Trung đã sớm “nóng” lên với những siêu dự án của các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen và Formosa. Tâm điểm chú ý của Hòa Phát hiện nay chính là siêu dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại Khu kinh tế Dung Quất.

Ngoài ra, miền Trung cũng là khu vực ưa thích của Hoa Sen với rất nhiều dự án lớn. Tập đoàn này hiện đang có 2 nhà máy tại Bình Định là Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định và Nhà máy Ống kẽm - Ống nhựa Hoa Sen Bình Định. Còn tại Nghệ An, tập đoàn cũng có 2 nhà máy lớn là Nhà máy Hoa Sen Nghệ An (KCN Đông Hồ) và Nhà máy Hoa Sen Nam Cấm tại KCN Nam Cấn.

Có thể thấy, với lợi thế có cảng nước sâu và quỹ đất còn nhiều, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang thu hút doanh nghiệp đầu tư mới các nhà máy sản xuất gang thép, vật liệu xây dựng quy mô lớn.

Bạn đang đọc bài viết "Hé mở những "ông lớn" đứng sau các dự án thép nghìn tỉ ở Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An" tại chuyên mục Dự án. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com