Không phải do năng lực
Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phát biểu gây bão của PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra mới đây, rằng “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số xe ô tô”.
Một số doanh nghiệp thép đã có phản hồi, thừa nhận sản xuất ốc vít lắp bánh ô tô phải nhập thép ngoại, song cho rằng không phải do năng lực doanh nghiệp không làm nổi mà vì lý do khác.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khẳng định về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các sản phẩm thép chế tạo. Nhưng dung lượng thị trường quá nhỏ bé nên không kích thích doanh nghiệp đầu tư làm các sản phẩm này.
"Như vật liệu cho linh kiện ô tô, thì Thái Lan hay Indonesia mỗi năm sản xuất hàng triệu xe nên có thể sản xuất được thép chế tạo. Còn ở Việt Nam, mỗi năm chỉ sản xuất mấy trăm nghìn xe ô tô nên không đủ để doanh nghiệp đầu tư sản xuất thép chế tạo", Chủ tịch VSA nói đồng thời thông tin, Formosa mỗi năm vẫn sản xuất một lượng thép chế tạo, nhưng là để xuất khẩu.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm 2022, nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đã nghiên cứu và sản xuất mác thép cacbon cao để làm tanh lốp xe ô tô có chất lượng tương đương các nước công nghiệp thép phát triển và giá thành lại cạnh tranh.
Phía Hòa Phát cho biết, thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô mác thép SWRH82A, SWRH72A là sản phẩm thép carbon cao, có tính chất đặc biệt nên được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu chọn nguyên liệu cho đến sản xuất.
Sợi thép làm tanh lốp ô tô có đường kính rất nhỏ 0,2÷0,78mm, được sản xuất từ quặng sắt, đáp ứng yêu cầu hàm lượng tạp chất thấp, khử sâu, dư lượng oxy trong thép thấp.
Tanh lốp ô tô là chi tiết thanh kim loại giúp kẹp lốp vào mâm xe một cách chắc chắn, định hình cho toàn lốp và ngăn chặn hơi thoát ra ngoài. Nhu cầu thép cuộn cho sản xuất tanh lốp ô tô ngày càng lớn nhưng chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước chưa ai sản xuất.
Sau thành công trong sản xuất thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô, Hòa Phát cũng đã sản xuất thành công nhiều loại thép để thay thế hàng nhập khẩu như thép rút dây, thép lõi que hàn, thép dự ứng lực hay thép cuộn cán nóng.
Thời gian tới, Hòa Phát cũng đang tối ưu và cải thiện công nghệ để cung cấp dòng thép cuộn chất lượng cao phục vụ sản xuất đinh vít và nhiều loại thép cơ khí chế tạo khác.
Một ông lớn ngành thép khác là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng đã có những ý kiến xoay quanh phát ngôn “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô”.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch VNSteel, cho rằng nếu để làm được 1 chiếc ốc vít lắp vào bánh ô tô con chạy trên đường cao tốc thì vật liệu thép trong nước chưa có.
"Tuy nhiên, không phải các đơn vị thép trong nước không làm được mà làm không hiệu quả bằng sản xuất thép xây dựng. Bởi quyết định làm một sản phẩm nào đó thì dung lượng thị trường, từ đó dẫn đến chi phí mới là vấn đề quan trọng nhất", Chủ tịch VNSteel nói.
Cần chuyển hướng sang sản xuất thép chế tạo
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Bộ Công thương đánh giá, ngành thép Việt Nam hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thừa đối với thép xây dựng còn thiếu thép phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo ô tô, đóng tàu. Theo đó, nhập siêu của ngành thép chủ yếu nằm ở loại thép này.
Hiện năng lực sản xuất thép xây dựng trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, các loại thép chế biến chế tạo phục vụ ngành cơ khí, chế tạo, Việt Nam chỉ sản xuất và đáp ứng được một phần thép cuộn cán nóng HRC. Còn đối với các loại thép hợp kim, các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được các loại thép đặc biệt.
Theo dự báo sơ bộ của Bộ Công thương, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD; tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ô tô là 120 tỉ USD.
Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo.
Theo đó, Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ, có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.